Thiên nhiên cũng phải học cách kiên cường, dẻo dai như cái cách mà con người ứng xử với nó. Giữa cái nắng, cái gió của biển, ở một hòn đảo không có nước ngầm, lá Bồ Ngót chưa kịp mọc đầy cành thì bà con đã ngắt về cho những bữa cơm hàng ngày, nhưng thân cây mềm yếu vẫn vươn lên, đâm chồi, nảy lộc và cứ thế âm thầm trải qua bao mùa mưa bão cùng họ.

Khác với mùa hè rực nắng với biển xanh trong, sóng vỗ dịu êm làm say lòng du khách, mùa đông của đảo Bé lại khó khăn và khắc nghiệt vô cùng. Nếu ai đã từng biết đến hình ảnh sóng “dữ dội và dịu êm” của Xuân Quỳnh với những cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa, thì sẽ được cảm nhận bằng mắt sự “dịu êm và dữ dội” thật sự của sóng biển tại đảo. Hãy một lần trải nghiệm sự ồn ào, dữ dội của biển đảo Bé vào mùa đông và cảm nhận bằng trái tim về tình yêu của người dân nơi đây với quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Bởi vì, thiên nhiên có khắc nghiệt thì mới làm nên những con người kiên cường như hôm nay và mới có… “cây Bồ Ngót”.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/received_217936068639007-Hinh-1-1.jpeg
Hình 1: Sóng biển Đảo Bé dữ dội vào mùa đông (Ảnh: Nguyễn Thị Diễm Kiều)

Dù biển động liên miên suốt cả mùa đông, tàu thuyền có khi cả tháng trời mới cập cảng và mang theo lương thực, thực phẩm sang đảo. Nhưng người dân vẫn không hề nao núng, chuyện ăn cơm với mắm suốt tuần là một điều hết sức bình thường vào mùa đông. Những bữa cơm với cá, thịt đủ đầy dường như là một sự xa xỉ vì dù mạo hiểm trên sóng gió cùng với các phương tiện thô sơ như thúng, cần câu, lưới… để bắt cá thì cũng chỉ thu được rất ít ỏi. Tuy nhiên, mùa đông đem theo mưa xuống làm cho cả hòn đảo phủ kín màu xanh của cỏ cây, trong đó có cây Bồ Ngót mà người dân hay hái về nấu canh. Đây là thứ rau không thể thiếu của bà con vào mùa biển động. Loại rau này có chứa nhiều canxi và các chất bổ dưỡng, các món ngon như canh Bồ Ngót cá Suốt, canh Bồ Ngót cá Chang… có thể gọi là đặc sản ở của đảo.

Lá Bồ Ngót đảo Bé rất nhỏ, có màu sẫm hơn rau thường thấy ở các chợ. Hương vị của nó rất đặc biệt, vừa đậm đà vừa có cái gì đó thanh mát khó tả và còn lan toả cả mùi nắng gió của biển không lẫn vào đâu được.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/received_752550281570799-hinh-2-1.jpeg
Hình 2: Cây Bồ Ngót trên ruộng hành đảo Bé (Ảnh: Lê Thị Nương Kiều)

Cái tên rau Bồ Ngót cũng giống như cái tên người bạn cố hữu của người dân vậy, vì nó gắn với họ từ mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác. Cứ thế hết đời này sang đời nọ, cuộc sống bình dị vẫn cứ tiếp diễn. Con người ứng xử với thiên nhiên một cách bình thản. Có lẽ vì thiên nhiên luôn khắc nghiệt đối với vùng đất nhỏ này, nên họ chỉ còn cách sống chung với nó và coi nó là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống của mình.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/received_752550178237476-Hinh-3-1.jpeg
Hình 3: Cây Bồ Ngót trên đồi núi đảo Bé (Ảnh: Lê Thị Nương Kiều)

Thật hiếm thấy cây Bồ Ngót nào có kích thước lớn đến thế. “Làm thế nào mà một cây rau vốn chỉ có thân to bằng chiếc đũa con lại có thể cao và to gấp trăm lần như vậy? – Tôi tự hỏi. Và bằng cảm nhận của chính mình, với tất cả những gì đảo Bé đã mang lại cho tôi, con người, thiên nhiên, ánh mắt, nụ cười, những giọt mồ hôi… tôi cho rằng, có lẽ sự kiên cường, sức chịu đựng và ý chí mạnh mẽ của con người đã có thể cảm hóa được cả thiên nhiên. Nơi đầu sóng ngọn gió, đất và người khi thì đối mặt với bão tố, cuồng phong, lúc lại đội nắng gắt trên đầu, ngày hè không có giọt mưa. Nhưng bên cạnh những thử thách khắc nghiệt, bà mẹ thiên nhiên cũng ban tặng cho đảo những kỳ quan tuyệt vời. Cái nắng, cái gió, từng hạt cát trắng, từng viên đá tưởng chừng vô tri ấy lại là tặng phẩm tuyệt vời của thiên nhiên, câu chuyện đất và người nơi đây luôn gắn liền với chúng, để rồi giờ đây, đảo Bé là nơi hội tụ tinh hoa của đất trời. Nắng vàng, cát trắng và biển xanh vẽ nên bức tranh sinh động và kỳ vĩ hơn bao giờ hết.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF2743-Hinh-4-1.jpg
Hình 4: Biển đảo Bé mùa hè năm 2016 (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người đã làm nên mảnh đất của hành thơm và tỏi ấm – mảnh đất mà đến thiên nhiên tưởng chừng khắc nghiệt cũng phải nghiêng mình trước ý chí của những con người bé nhỏ. Thiên nhiên cũng phải học cách kiên cường, dẻo dai như cái cách mà con người ứng xử với nó. Giữa cái nắng, cái gió của biển, ở một hòn đảo không có nước ngầm, lá Bồ Ngót chưa kịp mọc đầy cành thì bà con đã ngắt về cho những bữa cơm hàng ngày, nhưng thân cây mềm yếu vẫn vươn lên, đâm chồi, nảy lộc và cứ thế âm thầm trải qua bao mùa mưa bão cùng họ. Món canh làm từ lá của nó không biết đã lưu lại trong ký ức của bao nhiêu người và đã nuôi dưỡng bao nhiêu tâm hồn tuổi thơ từng lớn lên trên hòn đảo này nhiều năm qua. Cụ ông cao tuổi nhất ở đây đã hơn 80 tuổi cũng từng trải qua thời thơ ấu gắn với những cây Bồ Ngót này.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF3172-Hinh-5-1.jpg
Hình 5: Cây Bồ Ngót trên đường đi của đảo Bé (Ảnh: Nguyễn Thị Diễm Kiều)

Phải chăng đây là món quà, là lời nhắn nhủ của thiên nhiên rằng, thiên nhiên dữ dội nhưng vẫn luôn đồng hành cùng họ, phải chăng cây Bồ Ngót cũng là biểu tượng cho con người đảo Bé – Đảo bé, con người cũng bé, nhưng tâm hồn và ý chí rộng lớn hơn cả biển khơi mênh mông. Không ai biết cây Bồ Ngót có tự bao giờ, nó có trước hay có sau người dân đảo Bé, nhưng một điều chắc chắn rằng con người nơi đây và những cây Bồ Ngót này đã sống cùng nhau hàng thế kỷ qua. Họ đã và đang sống như thế để giữ mảnh đất quê hương mình. Hãy đến với đảo Bé để thưởng thức những món canh Bồ Ngót với hương vị đặc biệt không nơi nào có được.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF4045-Hinh-6-1.jpg
Hình 6: Người dân bắt cá ngày đông năm 2016 (Ảnh: Nguyễn Thị Diễm Kiều)

Hòn đảo nhỏ bé, xinh đẹp hiện đang sở hữu hàng chục cây Bồ Ngót như thế này tại các ruộng hành tỏi, trên đồi núi và cả trên đường đi. Tất cả chúng và câu chuyện về chúng cần được gìn giữ, bảo vệ vì đây sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Hình ảnh cây Bồ Ngót phải luôn hiện hữu để mai đây, khi đảo Bé phát triển hơn nữa nhưng vẫn mãi trân trọng những tháng năm gian khó của mảnh đất này. Và cây Bồ Ngót sẽ luôn là một minh chứng tuyệt vời!

Nguyễn Thị Diễm Kiều – Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Di sản