Chùa Ông tọa lạc tại thị tứ Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), nằm cách trung tâm tỉnh lị 10km về hướng Đông.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0187-h1-1.jpg
Hình 1: Chùa Ông Thu Xà (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Chùa Ông tọa lạc tại thị tứ Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), nằm cách trung tâm tỉnh lị 10km về hướng Đông. Chùa quay mặt về hướng Đông, trước mặt chùa là dòng chảy của chi lưu dòng sông Vệ – một trong bốn con sông lớn của Quảng Ngãi – chảy xuôi về cửa Lở ra biển Đông. Nằm khuất sâu trong một con hẻm của vùng đất Thu Xà nhưng nếp chùa nhỏ này mang trong mình những giá trị vô cùng đặc sắc, biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa của văn hóa Việt Hoa.

Về quy mô, chùa Ông ở Thu Xà quả thật khiêm nhường về mặt diện tích so với nhiều ngôi chùa mà người Hoa xây dựng ở Hội An. Nhưng, bản thân nó lại chứa đựng nhiều yếu tố thể hiện sự giao thoa, dung hòa của hai nền văn hóa Việt Hoa. Yếu tố đó bao gồm kiến trúc của ngôi chùa và cách bố trí phối thờ theo kiểu “tiền Thánh hậu Phật” trong một tổng thể hài hòa với những đường nét chạm trổ hết sức điêu luyện và công phu.

Bước vào gian Tiền đường, trên đỉnh khung cửa có sáu mắt cửa hình tròn. Mắt cửa là một núm gỗ to, ở giữa khoét lòng chảo chấm vàng và xung quanh sơn son. Loại hình mắt cửa này được biết là tồn tại ở các chùa và nhà cổ ở tại Hội An.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0175-1.jpg
Hình 2: Mắt cửa trên đỉnh khung cửa Tiền đường (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Về mặt chức năng, mắt cửa là một dạng trang trí khá đặc sắc cho ngôi nhà. Đó là núm khóa chốt cửa có chức năng liên kết đố cửa và khung cửa nhằm giữ không cho cánh cửa rời ra. Về mặt tín ngưỡng, mắt cửa gắn với quan niệm của người xưa về tục vẽ mắt thuyền của những con người vùng sông nước. Người ta thường vẽ hai con mắt rất to ở hai bên mũi tàu thuyền với mong ước có thể giúp họ nhìn thấy được mọi tai ương phía trước. Đồng thời, đưa họ đến với những ngư trường đầy ắp cá tôm.

Đối với người Hoa, mắt cửa là một chi tiết xuất hiện khá thường xuyên trong các kiến trúc của họ. Thế nhưng, chi tiết này khá hiếm gặp trong kiến trúc của người Việt. Một hình ảnh tưởng chừng là nét tín ngưỡng của người Hoa nhưng thật ra vẫn đậm đà văn hóa Việt. Ở đây, mắt cửa được xem là một hình ảnh vừa tượng trưng cho quan niệm của người Việt vùng sông nước, vừa tượng trưng cho ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được hoạn nạn, rủi ro của tâm thức của người Hoa. Mặc dù nó chỉ là một chi tiết kiến trúc nhỏ trong một tổng thể kiến trúc rộng lớn nhưng mắt cửa thực sự là một hình ảnh thể hiện sự gặp gỡ của hai quan niệm khác nhau, phản chiếu sự giao thoa, dung hòa của hai nền văn hóa Việt Hoa.

Quả thật, chùa Ông thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc của người Việt và người Hoa. Chùa dựa trên cơ sở mô thức nhà rường truyền thống của miền Trung như các vì kèo chồng rường chày cối, vì kèo chồng rường giả thủ. Đồng thời,  ngôi chùa còn có sự kết hợp của vì kèo cánh ác, cột trốn trính chuyền của đồng bằng Bắc Bộ và bộ vì kèo chồng rường trái bí được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mang phong cách Hoa Bắc (Trung Hoa). Tất cả đều được thể hiện một cách hài hòa trong một tổng thể kiến trúc với bố cục tương đối chặt chẽ.

Một yếu tố khác cũng thể hiện sự giao thoa, dung hòa của hai nền văn hóa Việt Hoa chính là cách bố trí phối thờ theo kiểu “tiền Thánh hậu Phật” ở gian Hậu cung của chùa Ông. Dạng thức phối thờ này thể hiện rõ nét ứng xử của người Việt trong suốt quá trình lịch sử với những hoạt động tín ngưỡng của mình. Khi người Hoa đến vùng đất Thu Xà, đi theo những bước chân đầy ắp hy vọng về một vùng đất mới của họ là niềm tin, là sự sùng bái đối với đức Quan Vân Trường, Phật Bà Nam Hải và bà Thiên Hậu – những người tạo nên sự tin tưởng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và bảo hộ cho họ trong những ngày lênh đênh trên biển. Và một lần nữa, hai nền văn hóa Việt Hoa lại gặp nhau trong sự tương đồng và phù hợp về mặt tín ngưỡng. Sự thật là sự sùng bái đức Quan Vân Trường, Phật Bà Nam Hải và bà Thiên Hậu của người Hoa phù hợp với những quan niệm, đức tin trong đời sống của người Việt, mà đặc biệt là của lớp cư dân quen mùi sông nước.

Có thể nói rằng, chùa Ông Thu Xà tuy nhỏ về mặt diện tích nhưng về mặt giá trị lịch sử – văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng lại vô cùng lớn. Bản thân ngôi chùa là một sản phẩm tinh túy của sự giao thoa, dung hòa giữa hai nền văn hóa Việt Hoa, biểu hiện qua các yếu tố kiến trúc và cách bố trí phối thờ. Hơn nữa, chùa Ông cũng là nơi biểu hiện cho sự gặp gỡ của hai nền văn hóa tìm thấy được ở nhau nét tương đồng và phù hợp.

Chùa Ông là một di tích cần được bảo tồn chu đáo của tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, chùa đang bị lấn chiếm diện tích bởi những người dân sống quanh chùa. Đây thật sự là vấn đề cần phải được giải quyết một cách nhanh chóng để trả lại cho chùa Ông vẻ cổ kính của mình, trả lại sự vẹn nguyên cho những giá trị lịch sử và mỹ thuật của một kiến trúc nghệ thuật cổ khá đặc sắc của tỉnh nhà. Khi chùa Ông thật sự quay về với cảnh quan tâm linh vốn có của nó, đồng nghĩa với việc chúng ta đã bảo lưu một điểm kết nối của nhiều thành phần kinh tế – xã hội của vùng đất Thu Xà nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.

Nguyễn Thị Hạ – Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản