Từ lâu, việc bảo vệ di sản đã trở thành một hoạt động không thể thiếu của xã hội văn minh. Bảo vệ di sản chính là giữ gìn, bảo lưu các tài sản văn hóa có giá trị của quá khứ. Để làm sống lại trong thời kỳ đương đại và tiếp tục chuyển giao cho thế hệ mai sau…

Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Dân trí)
Nhã nhạc cung đình Huế. Nguồn: Báo Dân trí

Cộng đồng với việc bảo tồn di sản văn hóa

Di sản không chỉ là một tài sản do người xưa để lại. Đó là một “sản nghiệp văn hóa” với lợi ích về nhiều mặt trong cuộc sống xã hội. Cách tiếp cận di sản như một “sản nghiệp văn hóa” sẽ giúp nâng cao ý thức của chủ thể di sản. Để họ biết cách gìn giữ di sản hiệu quả thông qua các hoạt động bảo tồn và phát triển kinh tế.

Có hai hình thức mà qua đó, vai trò cộng đồng với việc bảo vệ di sản có thể được thể hiện. Đó là cộng đồng bảo vệ di sản văn hóa thông qua bảo tàng (bảo tồn đóng). Và bảo vệ di sản văn hoá ngay tại cộng đồng (bảo tồn mở).

Cộng đồng bảo vệ di sản văn hóa tại bảo tàng

Bảo tàng được biết đến với vai trò là nơi giữ gìn di sản văn hoá. Và cộng đồng có vai trò tham gia vào các hoạt động của bảo tàng như: Đóng góp các bộ sưu tập hiện vật và giới thiệu các di sản văn hoá đó một cách sống động nhất. Hiện vật được trưng bày chỉ “tỏa sáng” khi nó gắn liền với “câu chuyện”. Câu chuyện độc nhất đằng sau mỗi hiện vật chính là giá trị cao nhất của di sản và là sức hấp dẫn riêng của bảo tàng.

Như thế, bảo tàng không chỉ tạo được niềm tin ở công chúng mà còn giúp gắn kết xã hội nhờ việc tôn vinh những di sản văn hóa đã được chính cộng đồng – Chủ thể văn hoá công nhận. Bảo tàng và cộng đồng có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Không gian bảo tàng là địa điểm quan trọng và có ưu thế đối với việc lưu giữ và quảng bá giá trị di sản văn hóa. Nhưng nó sẽ không còn ý nghĩa nếu không có sự liên kết với các cộng đồng trong việc giới thiệu các di sản đó.

lễ hội làng Trường Lâm (Long Biên - Hà Nội)
Lễ hội làng Trường Lâm (Long Biên – Hà Nội). Nguồn: Báo Pháp Luật

Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể ngay tại cộng đồng

Trong Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003), UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng: Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng. Đồng thời, UNESCO cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và những tri thức sâu sắc về di sản của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đó là nguồn lực quan trọng nhất, có tính quyết định trong sự nghiệp bảo tồn di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của chủ thể di sản. Một di sản văn hoá phi vật thể muốn duy trì được sức sống phải có ý nghĩa với cộng đồng và liên tục được cộng đồng đó tái tạo, lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nói cách khác, di sản văn hoá phi vật thể do cộng đồng sáng tạo ra, tồn tại trong không gian sinh tồn hằng ngày của họ và chỉ được bộc lộ thông qua thực hành của những con người cụ thể. Vì vậy, di sản văn hóa phi vật thể sẽ bị mai một, thậm chí biến mất nếu không được chủ thể văn hóa quan tâm hoặc không còn thực sự hữu dụng cho họ.

Ngoài điểm tựa của di sản văn hoá phi vật thể chính là cộng đồng thì những người ngoài cộng đồng – Chủ thể văn hoá (có thể là khách tham quan, người hưởng thụ di sản văn hóa phi vật thể, các nhà nghiên cứu hay quản lý di sản văn hóa phi vật thể,…) cũng có thể góp phần bảo tồn di sản với vai trò hỗ trợ cộng đồng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá các thông tin liên quan tới di sản văn hoá phi vật thể; Phổ biến kiến thức và bảo vệ di sản thông qua các kênh giáo dục. Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể một cách bền vững, cần có sự gắn kết, đồng thuận của cả cộng đồng chủ thể và cộng đồng khách thể của di sản văn hoá.

Dân ca quan họ. Nguồn: Ecopark
Dân ca quan họ. Nguồn: Ecopark

Hãy trao cho cộng đồng quyền tự quyết đối với di sản của mình!

Cộng đồng chính là những người nắm giữ tri thức, ký ức và lịch sử. Họ cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, thiết chế văn hoá để biến những truyền thống văn hoá của họ thành đối tượng trưng bày và giới thiệu ra thế giới bên ngoài. Ngược lại, các tổ chức và các thiết chế văn hoá cũng rất cần đến sự hợp tác và tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, các tổ chức, nhà quản lý chỉ nên định hướng, hỗ trợ về cách bảo tồn. Còn phần vận hành, hãy để cộng đồng tự làm điều đó! Có vậy, di sản mới có câu chuyện và được tái hiện một cách sống động nhất được

Chỉ có sự thể hiện, trình diễn và giới thiệu của chính cộng đồng – Những hiện vật sống mới mang đến cho khách tham quan cái nhìn chân xác về bản sắc văn hoá của cộng đồng và thúc đẩy quá trình giao lưu văn hoá. Nhờ đó, di sản không những được bảo tồn bền vững, mà còn có cơ hội được giới thiệu và quảng bá rộng rãi, mang lại lợi ích tinh thần và vật chất cho cộng đồng.

Thùy Dương