CHỢ PHIÊN VĂN HÓA MIỀN NÚI GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Vùng đồi núi phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi là không gian sinh sống của các dân tộc thiểu số Hrê, Cor và Ca Dong từ lâu đời. Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, người đồng bào miền cao đã sáng tạo nên những di sản văn hóa độc đáo. Trong số đó, có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm ở thôn Làng Teng của người Hrê, nghệ thuật trình diễn đấu chiêng của đồng bào Cor ở Trà Bồng hay Lễ hội lúa mới của người Ca Dong vùng Sơn Tây.

Độc đáo nghề dệt thổ cẩm làng Teng

Đồng bào Hrê sinh sống tập trung nhiều ở địa bàn hai huyện miền núi là Ba Tơ và Sơn Hà thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng chỉ duy nhất tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành, Ba Tơ là có nghề dệt thổ cẩm. Bên một bộ khung dệt giản dị, những người phụ nữ làng Teng đã sáng tạo nên những thước vải thổ cẩm tinh xảo.

Thổ cẩm làng Teng - Hơi thở của đồng bào Hrê
Thổ cẩm làng Teng – Hơi thở của đồng bào Hrê Ảnh: Sang Nguyễn

Không chỉ là sản phẩm của sự khéo léo, thổ cẩm của làng Teng còn chứa đựng những niềm tin, mỹ quan và cả lịch sử phong phú của người Hrê. Hoa văn trên thổ cẩm làng Teng phản ánh sự ảnh hưởng và giao thoa lẫn nhau của các nền văn hóa: Những khối hình kỷ hà như họa tiết thổ cẩm Tây Nguyên, họa tiết răng lược quen thuộc trên trống đồng Đông Sơn và cả những sóng nước đặc trưng của đồ gốm Chămpa, đều xuất hiện tại thổ cẩm của làng Teng.

Chợ phiên Văn hóa miền núi lần I – “Đặc sắc văn hóa dân tộc Hrê”

Nhằm đưa những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của đồng bào vùng cao đến gần hơn với quần chúng nhân dân, vừa qua, Khu dịch vụ Trải nghiệm Văn hóa Thành Cổ Quảng Ngãi đã phối hợp cùng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị đối tác tổ chức Chợ phiên Văn hóa Miền núi với chủ đề: “Đặc sắc văn hóa dân tộc Hrê”, lần thứ I (ngày 28/6/2020). Ngay lần đầu tiên được tổ chức, chợ phiên độc đáo này thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Bà Đoàn Vũ Ánh Dương – Giám đốc Công ty CPĐTPT Đoàn Ánh Dương (phải) và Bà Huỳnh Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi (trái)

Chợ phiên diễn ra các hoạt động tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người Hrê, giao lưu với nghệ nhân dệt thổ cẩm Phạm Thị Y Hòa đến từ Làng Teng và cơ hội trực tiếp trải nghiệm việc dệt vải dành cho khách tham quan. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của nghệ nhân đánh chiêng Phạm Văn Sây trình diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống, thể hiện các làn điệu ka lêu, ka choi – dân ca của đồng bào Hrê và tổ chức trò chơi dân gian.

Chợ phiên cũng thu hút hơn 30 gian hàng tham gia với các nội dung kinh doanh ẩm thực, sản vật địa phương, đồ chế tác – thủ công mỹ nghệ, làm gốm Sa Huỳnh, in tranh Đông Hồ, các trò chơi dân gian và các mặt hàng khác.

Một gian hàng “Tranh mo cau và thảo dược có hương” tại Chợ phiên Văn hóa miền núi Quảng Ngãi

Chợ phiên Văn hóa miền núi lần II – “Văn hóa Hrê – Âm và Sắc”

Sau thành công của phiên chợ lần thứ I, “Chợ phiên Văn hóa miền núi Quảng Ngãi lần thứ II – năm 2020” với chủ đề “Văn hóa Hrê – Âm và Sắc” được tiếp tục tổ chức (ngày 18-19/07/2020). Chợ phiên lần II đã tái hiện đậm nét hơn nữa một không gian ngập tràn bản sắc văn hóa dân tộc Hrê.

Đêm nhạc “Vọng tiếng núi rừng” tại Chợ phiên Văn hóa miền núi lần II

“Thành Cổ Quảng Ngãi sẽ là nơi tập trung những đặc sắc văn hóa của con người Quảng Ngãi. Văn hóa của đồng bào miền cao có rất nhiều điều thú vị và cũng đầy bí ẩn. Chúng tôi muốn thông qua những hoạt động như Chợ phiên để giới thiệu, giúp cho mọi người hiểu về những đặc trưng ấy. Khi hiểu, ta sẽ muốn gìn giữ và phát huy.” – Bà Đoàn Vũ Ánh Dương, Giám đốc Công ty CP ĐT PT Đoàn Ánh Dương cho biết.

Ẩm thực miền núi được phục vụ ngay tại Chợ phiên

Chợ phiên Văn hóa miền núi Quảng Ngãi – Một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là việc không đơn giản. Do đó, Chợ phiên Văn hóa miền núi về dân tộc Hrê là một hoạt động sáng tạo và đầy ý nghĩa, góp phần đưa văn hóa miền núi đến gần với miền xuôi và du khách” – Bà Huỳnh Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Chính những hoạt động văn hóa cộng đồng như Chợ phiên tại Thành Cổ sẽ giúp người dân có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu về kho tàng văn hóa truyền thống phong phú của dân tộc Hrê, đánh thức thế hệ trẻ không quay lưng mà coi đây chính là báu vật thiêng liêng để phát huy và gìn giữ.

Thùy Dương