http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/1-e1534405855561-1.jpg
Ảnh: Giếng Chăm ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi.

Trong những năm gần đây Du lịch được ví là “ngành công nghiệp không ống khói”, là “con gà đẻ trứng vàng”, là một trong những “lĩnh vực kinh tế của tương lai” đem lại nguồn thu nhập to lớn cho mọi quốc gia. Hiện nay du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng là một trong rất nhiều hình thức du lịch đang dần được quan tâm phát triển trong các khu bảo tồn với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của địa phương, mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng địa phương cũng như đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn.

Trải dài trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và vùng duyên hải miền Trung Việt Nam nói riêng. Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi văn hóa cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinnet lần đầu tiên phát hiện được trên 200 mộ chum có niên đại cách đây khoảng 3000 năm trải dài trên địa bàn các xã Phổ Thạnh và Phổ Khánh huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi thuộc ven biển miền Trung ngày nay. Việc tái hiện không gian văn hóa Sa Huỳnh không đơn giản là những hiện vật mà còn là những câu chuyện sinh động về nền văn hóa mang nhiều bí ẩn. Do đó vấn đề đặt ra là cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Sa huỳnh gắn liền với phát triển du lịch tại địa phương là một trong những nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế xã hội.

Có những giá trị có thể định lượng bởi một giá, nhưng cũng có những giá trị không thể định giá – vô giá. Việc phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh là nói tới những thành tựu của một nền văn hóa người cổ Sa Huỳnh và tiếp nối là nền văn hóa của người Chăm – pa đã đạt được trong quan hệ với thiên nhiên,  xã hội và trong sự phát triển bản thân mình. Đây là nơi hội tụ và giao tiếp văn hóa giữa miền núi, miền biển và đồng bằng; là nơi hội tụ văn hóa, kết tinh văn minh, dựng lên nền văn minh lúa nước nổi tiếng. Để thích nghi với thời tiết người Chăm đã tìm ra giống lúa chịu hạn gieo trồng vào đầu mùa khô đề đầu mùa mưa thì lúa chín. Sách sử gọi đó mà mùa Chiêm. Cũng do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt khô hạn nên cư dân cổ Sa Huỳnh và Chăm đã đào cả một hệ thống giếng lấy nước tưới cho cây trồng nên giới nghiên cứu ghi nhận một nền văn hóa là “văn hóa Giếng Chàm cổ”. Một số giếng Chàm cổ vẫn tồn tại ở Phổ Thạnh và hiện hữu cho tới ngày hôm nay. Cho nên, có ý kiến cho rằng, “Chỉ những hoạt động nào thể hiện được những sức mạnh bản chất của con người, những sức mạnh biểu trưng cho chân – thiện – mỹ mới hiện diện như những giá trị văn hóa”.

Di sản là tài sản của người xưa để lại, mang tính cộng đồng và được lưu trữ qua nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay. Hiện nay các di tích như giếng Chăm, Bia Ký, tháp Gò đá…vẫn tồn tại trong không gian của cộng đồng dân cư Sa huỳnh. Do đó các di sản văn hóa không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Ðể có thể duy trì sức sống cho di sản văn hóa, các di sản ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được “sống”, được tôn vinh, được người dân thừa nhận ngay trong chính đời sống cộng đồng. Theo quan điểm của UNESCO và nhiều nước trên thế giới thì đây là một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian. Di sản được coi là loại tài sản không thể tái sinh, không thể thay thế và có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ kế tiếp. Từ nhận thức đó có thể thấy, nếu quảng bá tốt và khai thác hiệu quả, di sản sẽ đem lại những giá trị vô cùng to lớn như: nâng cao mức sống của khu vực, góp phần phục hồi các sản phẩm thủ công truyền thống và các di sản văn hóa phi vật thể, mang lại những trải nghiệm về văn hóa và cho phép trao đổi văn hóa, tạo ra cơ hội việc làm mới đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo vệ các di sản đã xây dựng, xây dựng niềm tự hào của cộng đồng,… Việc bảo tồn và phát huy giá trị  di sản văn hóa Sa Huỳnh cần có sự tham gia của cộng đồng, dựa vào cộng đồng và vì cộng đồng cũng là cách thức hiệu quả để lưu giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa mà cộng đồng nắm giữ.

(Nguồn : Báo cáo Chính phủ số 526 ngày 17/10/2015 và NQ số 08/NQ/TW ngày 16/01/2017)

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/2-e1534405876156-1.png

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với du lịch văn hóa – cộng đồng có tác động qua lại lẫn nhau, là cầu nối để giao lưu và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh không chỉ Việt Nam mà cả Thế Giới.

Ngô Thị Hoài Thanh – Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Di sản