Nằm Trải dài trên mảnh đất Sa Huỳnh đầy nắng và gió, bất chấp địa hình và thời tiết, có một loài cây mọc hoang thân xù xì màu xám bạc nhưng lá lúc nào cũng xanh tươi, chúng len lỏi mọc trên những địa hình cằn cỗi, khắc nhiệt nhất. Một loài cây mang nhiều giá trị tiềm năng để phát triển du lịch cho mảnh đất Sa Huỳnh vừa để bảo tồn giá trị văn hóa của người dân nơi đây, đó là cây Dứa dại.

Bước dọc theo phía đông của đầm An Khê vào những chiều tháng 3 đến tháng 6, Chúng ta không khó để có thể bắt gặp những trái dứa dại gồm một cụm quả tạo thành một khối hình trứng với kích thước 16-22cm, có màu xanh khi còn non và màu vàng hoặc cam khi chín, gồm những quả hạch có góc, xẻ thành nhiều ô tượng trưng cho sự gai góc của nó. Dứa dại có khá nhiều tên gọi khác nhau như dứa gai, dứa gỗ, dứa rừng… Tên khoa học là padanus tectorius, là một loài cây khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Thân cây nhỏ, phân nhánh ở ngọn thường cao từ 1-2m tại nơi điều kiện tốt có thể cao từ 2-4m. Lá mọc ở đầu các nhánh dài từ 1-2m, trên gân chính và 2 bên mép lá có gai nhọn. Vào những ngày đầu hè vào khoảng tháng 4 nếu bạn may mắn có thể bắt gặp trên những ngọn của cây dứa dại vài đóa hoa màu vàng nhạt chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được mùi hương của chúng, một loài hoa với mùi hương thật khó tả phảng phất nhẹ nhàng như thoát ra từ muôn hoa thơm trái ngọt nơi hoang sơ kết tụ lại nơi đây.

Quả dứa dại có vị ngọt mùi thơm, màu vàng hoặc cam, nổi lên giữa những lùm dừa rừng màu xanh thẫm điểm thêm những đóa hoa thơm màu vàng nhạt nhú ra từ những ngọn dứa như tạo nên một bức tranh thiên nhiên đơn giản, dịu dàng mà lại đi sâu vào lòng người nơi đây. Dứa dại thường mọc dọc theo các đồi cát ẩm, trong các rú bụi ven biển, dọc các bờ đầm nước mặn, rừng ngập mặn; cũng phân bố trong đất liền ở những nơi có vĩ độ thấp thường là dọc theo các con sông ở khắp nước ta.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/D-3aa-1.jpg
Hoa dứa dại – Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/1_269588-1.jpg
Người dân treo cùi dứa dại trước thuyền mỗi khi ra khơi để cầu bình an – Ảnh Sưu tầm
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/2_258214-1.jpg
Bán cùi dứa dại để cho ngư dân treo trước thuyền – Ảnh Sưu tầm

Nhắc tới loài dứa dại, người ta sẽ nghĩ ngay đến một loài cây mọc hoang, rất dễ để tìm thấy từ những đồi cát ven biển, ven đầm hồ, núi đá hay đến những thềm địa chất được hình thành từ núi lửa phun trào như Lý Sơn cũng có thể thấy chúng phát triển tươi tốt. Loài cây này thường chỉ mọc hoang và đứng hiên ngang giữa nắng, gió, bão bùng như những người ngư dân đối mặt với biển cả vậy. Đã từ lâu, cây dứa dại đã được biết đến là loài thảo dược quý, có nhiều công dụng chữa bệnh, có tác dụng tốt cho sức khỏe trong đông y và trong dân gian.

Hầu hết các bộ phận của cây dứa dại đều có tác dụng chữa bệnh từ rễ (đặc biệt là rễ chưa chạm đất), lá, hoa, quả đến đọt non của cây. Cây dứa dại có thể chữa rất nhiều bệnh như viêm gan, viêm thận, ho cảm, xơ gan, đái tháo đường, mất ngủ … Ngoài ra nó còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc… có lợi cho sức khỏe.

Với người dân ven biển ở nhiều nơi, cây dứa dại gắn bó mật thiết với cuộc sống đời thường của họ từ những sợi dây thừng đan bằng cọc dứa đến những cùi dứa dại treo trước mũi thuyền như một tấm bùa hộ mệnh trước khi ra khơi. Hay đến những vật dụng hằng ngày như chiếu, võng cũng có thể đan từ lá và cọc dứa.

Lá dứa dại cũng gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ chăn trâu bằng những con châu chấu, chiếc đồng hồ hay xe ô tô được làm bằng những lá dứa non xanh. Cây dứa dại mọc ven theo các đồi cát dọc ven biển không chỉ giúp giữ đất, giữ cát mà còn ngăn gió bão giúp người ngư dân neo đậu tàu thuyền sau những lùm dứa. Nói không ngoa khi cây dứa dại mang một biểu tượng đặc trưng cho người ngư dân ven biển cũng giống như cây tre tượng trưng cho người nông dân ở vùng đồng bằng.

Chính vì vậy dứa dại hay còn gọi là dứa dại đã đi vào văn thơ của rất nhiều tác giả từ truyện ngắn, thơ, hát… trong đó có một bài thơ rất nổi tiếng về cây dứa dại của nhà thơ Xuân Quỳnh:

Những Cây Dứa Dại

Ở đảo này cũng như những đảo xa

Dứa dại mọc ven theo bờ cát

Thân nó tròn, vỏ xù xì màu đất bạc

Xoắn xuýt vào nhau như những khúc trăn to

Lá xòe dài cạnh sắc như lưỡi cưa

Không hiểu vì sao người ta không chặt nó

Cây sim còn gợi màu thương nhớ

Cây chuối rừng mát ruột kẻ đường xa

Dứa dại chỉ làm rớm máu rách da

Của những ai vô ý đi ngang qua

Không hiểu vì sao người ta không chặt nó

Đêm hôm qua ngoài trời bão tố

Sóng chồm lên muốn dìm đảo xuống lòng sâu

Gió như điên đạp cây cối đổ nhào

Gió đập cành sim, xé tan tàu lá chuối

Chỉ còn nó những cây dứa dại

Thách thức gió gào sóng thét cuồng điên

Che chở những ngôi nhà sau nó vẫn bình yên

Tôi bỗng hiểu vì sao người ta không chặt nó

 (Xuân Quỳnh – 1963)

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/ve2-1.jpg
Cọc dứa – Ảnh Sưu Tầm
Đan võng dứa dại từ cùi dứa – Ảnh Sưu Tầm

Cây dứa dại không chỉ kiên cường trước mưa nắng gió bão đổ lên nó mà nó còn phát triển nhanh một cách kì lạ, cũng có những người cũng chặt nó không tiếc tay, vậy mà nó vẫn sống, vẫn phát triển, lá vẫn xanh tươi. Từ một loài cây còn ít được để tâm biết đền, giờ đây công dụng của cây dứa dại đã được lan đi rộng khắp, nhiều người đã bắt đầu biết nhân giống cây dứa dại để làm ranh giới phân chia đất canh tác như ở Đảo Bé Lý Sơn vừa để lấy bóng mát nghỉ ngơi sau những giờ làm đồng vất vả vừa để phát triển kinh tế với một sản phẩm độc đáo mỗi khi khách du lịch đến thăm. Nói về phát triển kinh tế từ cây dứa dại, nó không phải chỉ là một loài cây mọc hoang không đem lại giá trị về kinh tế như người ta vẫn nghĩ mà ngược lại, nếu biết tận dụng và phát huy những lợi thế vốn có của nó, thứ chúng ta thu về được không chỉ là giá trị về mặt kinh tế mà còn là giá trị về văn hóa được lưu truyền lại cho thế hệ sau. Điển hình như ở Gia Lai, người Jrai đã biết sử dụng lá cây dứa dại để đan từ lâu bằng cách tước bỏ gai, tước lá thành từng sợ nhỏ đem phơi khô thành từng bó rồi đến khi nông nhàn những người phụ nữ ở đây lại đan ra những sản phẩm như chiếu, nong, nia, gùi, … rồi đem ra chợ bán. Hay ở Phú Quý cũng nức tiếng với nghề đan võng dứa gai vừa đẹp, vừa bền, êm lưng, thân thiện với môi trường lại còn có tác dụng chữa bệnh, chúng được tạo ra bằng những rễ của cây dứa dại mọc hoang xung quanh đảo, không chỉ đem lại công ăn việc làm mà còn giúp khôi phục làng nghề, lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Ở đảo Lý Sơn người dân cũng đem những quả dứa dại phơi khô để bán cho du khách, đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân sống tại đây. Hiện nay ngoài thị trường, cây dứa dại đã được chế biến thành trà dứa dại, thuốc từ cây dứa dại hay thậm chí là những túi xách cũng được đan bằng loài cây này, điều đó cho thấy giá trị rất lớn của loài cây này nếu được phát huy và quan tâm đúng mực.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/DSCF6417-e1534407462234-1.jpg
Người dân Đảo Bé phơi quả dứa dại để phục vụ du lịch – Ảnh Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn di sản
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/IMG-0998-e1534407420268-1.jpg
Rừng dứa ở đồi núi đá phía tây xóm Cỏ – Ảnh Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn di sản

Tại mảnh đất Sa Huỳnh ven đầm An Khê, mảnh đất chứa nhiều di tích đã và đang dần được khám phá, Cây dứa dại cũng tồn tại từ thuở sơ khai đến nay nằm ngay bên cạnh những di sản về địa chất, văn hóa và khảo cổ. Cây dứa dại ở Sa Huỳnh không chỉ mọc thành từng cụm rừng dứa trên những đồi núi đá mà còn trải dài hơn 2 Km trên những cồn cát ngăn cách đầm An Khê và biển. Chúng cũng gắn bó với cuộc sống của người dân địa phương ở đây từ những sợi dây được đan bằng cọc dứa, những chén nước dứa dại thơm mát giữa những buổi trưa hè, hay vào mùa mưa bão, người dân neo tàu thuyền sau những bụi dứa dại để chắn gió biển. Dứa dại còn mọc dọc ven đầm An Khê về phía biển giúp chống cát lở và cát bay ngoài ra còn là nơi làm tổ cho chim cò trong khu vực này mang lại một hệ sinh thái đầm vô cùng đa dạng. Tuy vậy, những cây dứa dại vẫn nằm sừng sững trước những sóng gió tại Sa Huỳnh mà ít được quan tâm để phát triển hết cái tiềm năng vốn có và đang ngủ yên của nó. Không phải là do cây dứa dại không có giá trị để phát triển, càng không phải là không có tiềm năng, có chăng chỉ là chưa tìm ra được định hướng phù hợp để phát triển mà thôi. Hiện nay, giá trị của cây dứa dại đã là cái vốn có của nó, tiềm năng để phát triển đang bắt đầu được hình thành, vì vậy cần định hướng phát triển để người dân thu lợi được từ loài cây đã gắn bó với họ biết bao đời nay mặt khác vừa bảo tồn được cảnh quan gắn kết chặt chẽ với những di sản văn hóa ở khu vực Sa Huỳnh. Để có thể phát huy giá trị của cây dứa dại tại đây, trước mắt có thể phát triển dựa vào tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai, đi cùng với sự đồng thuận, chung tay của người dân địa phương trong công tác quản lý và khai thác hiệu quả, từ đó từng bước nâng tầm giá trị bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa loại hình sản phẩm. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm địa phương tới trong nước, trong khu vực và quốc tế.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/08/D-5a-1.jpg
Ảnh quả dứa dại – Ảnh Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn di sản
nau-nuong-dua-rung-00
Nước dứa rừng, thức uống giải nhiệt của người dân tại Sa Huỳnh ngày hè – Ảnh Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn di sản

Với những kinh nghiệm về việc phát triển những nguồn lợi tại địa phương gắn liền với cộng đồng tại các khu bảo tồn, điển hình là khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, một trong những mô hình điển hình trong cả nước về phát triển dựa vào cộng đồng được trong nước và thế giới công nhận. Hi vọng trong tương lai, cây dứa dại tại mảnh đất Sa Huỳnh có thể học tập các mô hình đi trước để đưa ra định hướng đúng đắn và thực hiện được đúng các định hướng đã đề ra nhằm phát huy hết các giá trị vốn có của cây dứa dại, góp phần vào việc phát triển đời sống cộng đồng người dân tại đây và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển một cách bền vững trong tương lai.

ĐÀO QUẾ DƯƠNG – TT NC&BT DS

Tài Liệu Tham Khảo:

  1. http://danviet.vn/nha-nong/bat-ngan-dua-dai-tren-dao-an-binh-dao-mot-vong-hai-duoc-ca-bao-710263.html
  2. http://dulich.baobinhthuan.com.vn/vi-vn/6649-ve-phu-quy-nho-lang-nghe-dan-vong-dua-gaibr.html
  3. http://dantocmiennui.vn/54-dan-toc-viet-nam/doc-dao-nghe-dan-chieu-bang-la-dua-dai-cua-nguoi-ta-oi/131531.html
  4. https://baomoi.com/bua-ho-menh-cua-ngu-dan/c/20478056.epi
  5. https://ocuaso.com/tho-viet-nam/xuan-quynh/nhung-cay-dua-dai.html
  6. http://baoquangngai.vn/channel/2025/201510/dua-dai-cay-thuoc-quy-tren-dat-dao-2637178/
  7. https://suckhoe24h-7.blogspot.com/2014/06/cong-dung-tuyet-voi-tu-dua-dai.html