Tính đến năm 2021, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh. Trong đó có hơn 4000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Hơn 9000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mục đích của việc xếp hạng là tạo điều kiện và cơ hội cho cộng đồng sở hữu di tích. Lấy đó làm động lực để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Mục đích là vậy, nhưng nhìn những gì diễn ra trong thực tế khiến nhiều người lo ngại rằng: Không ít di tích được công nhận không những không phát huy giá trị vốn có mà còn đã và đang trở thành gánh nặng đặt lên vai chính quyền địa phương lẫn cộng đồng sở hữu di tích. Áp lực đó đến từ công tác quản lý, bảo vệ còn lỏng lẻo khiến di tích bị xâm hại. Thêm vào đó, việc đầu tư, tôn tạo cho di tích còn hạn chế khiến tài nguyên này hư hại và xuống cấp theo thời gian.
Công nhận xếp hạng di tích – Nỗ lực “hữu danh vô thực”
Di tích chính là những trang sử sống, những dấu ấn về sự biến động thăng trầm qua nhiều thời kỳ lịch sử. Đồng thời, di tích là một bộ phận quan trọng cấu thành kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
Việc xếp hạng di tích có ý nghĩa quan trọng. Bởi từ đây di tích sẽ được bảo hộ bởi luật pháp về di sản văn hóa. Thế nhưng nếu cứ xếp hạng, công nhận tràn lan di tích mà không có cơ chế ưu tiên đầu tư, tôn tạo theo thứ tự về quy mô, tính chất của từng di tích thì mọi nỗ lực công nhận xếp hạng chỉ là “hữu danh vô thực”. Vậy thì nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu?
Nguyên nhân chính
Một di sản được ghi nhận là di tích, hiển nhiên di sản đó được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, vấn đề trùng tu di tích, bảo vệ nó như thế nào mới là điều quan trọng. Các vấn đề về nhận thức? Về nguồn vốn? Hay tầm nhìn?
Đó có phải là tất cả nguyên nhân khiến cho di tích sau khi được xếp hạng không phát huy được giá trị vốn có của nó?
Nguyên nhân cốt lõi
Chúng ta đang sở hữu rất nhiều các loại hình di tích. Nhiều trong số đó có tính chất không đồng nhất với nhau. Có những di tích vẫn là “di sản sống” nằm trong cộng đồng. Có những di tích là kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ có duy nhất một hệ thống văn bản về bảo tồn di sản. Và văn bản đó được áp dụng cho tất cả các loại di tích được xếp hạng công nhận.
Một ngôi nhà cổ trong làng thuộc quyền sở hữu của người dân không thể nào giống với một công trình đình chùa đã thuộc quyền sở hữu của cộng đồng. Sự khác biệt này không nằm ở thể loại hay kiến trúc chung mà nằm ở tính chất tồn tại của di tích. Nằm ở vai trò của di tích trong cuộc sống và giá trị tinh thần mà nó đem lại cho con người.
Làm gì để việc xếp hạng di tích không là hình thức?
Hiện nay, những di sản chưa được xếp hạng đang nằm trong nguy cơ bị xóa bỏ và biến đổi so với hiện trạng gốc ban đầu. Bởi nó được trùng tu một cách tự do tùy theo nhận thức của người dân và không giữ được giá trị vốn có. Chúng ta công nhận di tích để bảo tồn di tích. Chúng ta bảo tồn di tích để phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên, giá trị của di tích không mãi mãi là như thế mà sẽ biển đổi theo thời gian.
Chúng ta nên phân loại rõ ràng để có cơ chế bảo tồn, tôn tạo đúng theo tính chất của di tích. Đồng thời cần có những cấp độ bảo tồn di sản thấp hơn dành cho những di tích chưa hoàn toàn được công nhận. Qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng để tất cả cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Thùy Dương