LÝ SƠN VÀ HÀNH TRÌNH NỬA THIÊN NIÊN KỶ GÌN GIỮ HOÀNG SA

Lý Sơn hôm nay – trái tim của biển khơi Quảng Ngãi – nổi tiếng với vẻ đẹp của Cổng Tò Vò, Chùa Hang hay đỉnh Thới Lới. Lý Sơn nổi tiếng với những cánh đồng tỏi thơm ngon trồng trên nền đất bazan. Nhưng còn một Lý Sơn khác, một Lý Sơn hi sinh lặng thầm suốt gần 500 năm qua, xác lập và gìn giữ biển đảo Tổ quốc.

ly-son-hai-doi-hoang-sa-1
Đảo Lý Sơn hôm nay – nguồn ảnh: Zing News

Hải đội Hoàng Sa – Quần đảo mang tên những chàng trai Lý Sơn

Từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cho lập Hải đội Hoàng Sa. Đội gồm 70 tráng đinh, đều là người các làng An Vĩnh, An Hải đảo Lý Sơn. Lúc bấy giờ, ngư dân Quảng Ngãi nổi tiếng vì giỏi nghề biển. Nhiệm vụ của Hải đội là trục vớt, săn tìm sản vật Hoàng Sa về kinh thành Phú Xuân.

Trải qua trăm năm, Hải đội vẫn duy trì hoạt động của mình. Nhiệm vụ của đội dần quan trọng hơn về mặt chủ quyền, khi các vua Tây Sơn rồi nhà Nguyễn ngày càng nhìn xa hơn về phía đại dương vô tận – không phải bằng cảm giác e dè mà bằng sự quyết tâm chinh phục.

Năm 1815, vua Gia Long cho Cai đội Phạm Quang Ảnh đi Hoàng Sa đo đạc thủy trình. Đến năm 1836, vua Minh Mạng giao cho Phạm Hữu Nhật – lúc ấy là Thủy quân Chánh đội trưởng, đi Hoàng Sa cắm những cột mốc chủ quyền. Theo Đại Nam thực lục “Vua y lời tâu. Sai suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc chữ: Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây để lưu dấu ghi nhớ”.

Ngày nay, giữa trùng khơi mênh mông Hoàng Sa, có hai hòn đảo mang tên Quang Ảnh, Hữu Nhật. Quang Ảnh là một hòn đảo san hô giữa những rặng đá ngầm sắc nhọn. Còn Hữu Nhật nơi những đàn vích (một loại rùa biển) tìm đến đẻ trứng vào độ xuân hè.

ly-son-hai-doi-hoang-sa-2
Những đảo, đá và bãi đá trong quần đảo Hoàng Sa

“Hoàng Sa trời nước mênh mông – Người đi thì có mà không thấy về”

Biển Đông chưa bao giờ là một vùng biển ôn hòa. Hải đội Hoàng Sa ra khơi vào tháng giêng và trở về vào tháng tám – tránh mùa biển động. Nhưng không phải lúc nào chu kỳ ấy cũng đáng tin. Suốt non nửa thiên niên kỷ gìn giữ Hoàng Sa, ngoài những Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật được nhớ mặt đặt tên, không biết bao nhiêu người trai tráng không tên từ làng An Vĩnh, An Hải đã nằm lại giữa những tầng sóng.

Ai đến Lý Sơn hôm nay, đừng chỉ leo lên đỉnh Thới Lới, dạo quanh những cánh đồng tỏi hay đắm mình trong làn nước trong xanh, mà quên hỏi người dân đảo về những ngôi mộ gió. Những ngôi mộ không hài cốt, làm nơi trú ngụ ấm áp cho hương linh người ra đi. Suốt bờ biển miền Trung, mộ gió rải rác những lời hẹn trở về không thành hiện thực. Nhưng tại Lý Sơn, mộ gió không chỉ đau nỗi đau chia cắt, mà còn tha thiết nhắc nhở hiện tại về một quá khứ kiên trì và bất chấp để bảo vệ biển đảo quê hương.

ly-son-hai-doi-hoang-sa
Mộ gió trong đồng tỏi – nơi an trú của những hương linh thủy quân Hoàng Sa

“Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình”

Cuối tháng 4 năm 2020 – khi chúng ta nhìn về ngày Giải phóng miền Nam với lòng háo hức. Không chỉ vì 45 năm đất nước vẹn tròn, chúng ta đang thắng lợi trước Covid-19, cũng là lúc biển Đông lại nổi sóng. Chủ quyền của đất nước đang cần được bảo vệ. 500 năm “tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá” gọi tên những chiến sĩ Lý Sơn. Còn hôm nay, “một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”, tất thảy những người con Việt Nam, đều cần hiểu và tự hào, yêu thương những hành trình của hàng trăm thế hệ đã sống để xác lập, và chết để giữ gìn biển trời quê hương.

Nguyễn Thường