Tàu đắm cổ Bình Châu: Giải mã cổ vật hàng trăm năm bị chôn vùi
Vén màn bí ẩn “Con đường gốm sứ trên biển”
Vào khoảng thế kỷ IX, đồ gốm được hình thành và phát triển. Cùng với đó, việc vận chuyển, xuất khẩu gốm sứ cũng ngày càng trở nên phổ biến. Các mặt hàng gốm sứ đều được chuyển đi bằng con đường duy nhất trên biển Đông. Điều đó minh chứng cho sự hiện hữu của huyết mạch giao thương có từ bao đời trên hải phận Việt Nam, mang tên “Con đường gốm sứ trên biển”.
Trên cung đường ấy, không thể tránh khỏi những rủi ro như: Thiên tai, cháy nổ, hư hỏng khiến nhiều con tàu mang hàng hóa giao thương đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương. Để đến ngày hôm nay, ngay tại Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi, chúng ta có được một kho di sản cổ vật tàu đắm khổng lồ phục vụ quá trình tham quan và học tập. Với nhiều điểm đặc biệt, hiếm có và duy nhất, tàu đắm cổ Bình Châu đã được phục dựng nguyên trạng tại Khu dịch vụ trải nghiệm văn hóa Thành Cổ Quảng Ngãi.
Câu chuyện về hành trình khai quật tàu đắm cổ Bình Châu
Bối cảnh
Tàu đắm cổ Bình Châu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012 tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng chung số phận với những con tàu đắm cổ trước đây, tàu Bình Châu đã bị một số ngư dân địa phương tự ý thổi hút, khai thác trái phép và lấy đi nhiều cổ vật mang ra thị trường buôn bán. Đứng trước nguy cơ bị phá hoại, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Phương án khai quật khẩn cấp di tích tàu đắm cổ Bình Châu và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết hợp đồng với Công ty Đoàn Ánh Dương thực hiện.
Hành trình khai quật tàu đắm cổ Bình Châu
Vào ngày 4/6/2013 trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh và đông đảo nhân dân trong vùng, phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương, cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu đã được bắt đầu. Lần đầu tiên trên thế giới, phương pháp khai quật đóng cọc cừ Larsen làm đê vây quanh con tàu đắm được áp dụng. Sau khi đóng cọc, đoàn khai quật tiến hành hút thổi nước, bùn, cát làm phát lộ hình dáng con tàu và toàn bộ số hiện vật mà con tàu chuyên chở, cho phép các nhà khảo cổ học Việt Nam được tiếp xúc trực tiếp với hiện vật và xác con tàu ngay dưới đáy biển.
Hiện trạng con tàu khi được tìm thấy
Tàu nằm cách bờ khoảng 200m, chìm ở độ sâu 3,5 – 4m, dài 20,5 mét, nơi rộng nhất 5,6 mét. Tàu tổng cộng có 13 khoang với 12 vách ngăn. Con tàu đã bị cháy trước khi chìm, thể hiện rõ qua những khối kết dính từ khoang 5 đến khoang 7. Các nhà khoa học nhận định: Tàu bị cháy có thể do bị cướp, hoặc hỏa hoạn. Khi bị cháy, tàu cố chạy vào phía Vũng Tàu và bị mắc cạn.
Bí ẩn những cổ vật hàng trăm năm bị chôn vùi
Kết quả cuộc khai quật đã thu được 4.359 hiện vật chủ yếu là đồ gốm, sứ như hũ, lọ, đĩa, chén, bát, ấm, lư hương…với các dòng gốm men nâu, men ngọc, đồ sứ hoa lam và sứ men xanh trắng.
Gốm trên con tàu đắm cổ Bình Châu là gốm men ngọc hay còn gọi là Thúy Lan. Hoa văn gốm trên tàu Bình Châu ám họa trên xương gốm. Các dòng gốm men nâu có các loại hình: hũ, lọ và chậu. Đồ gốm men ngọc có các loaị hình như: bát, đĩa, lư hương,… Đáng chú ý nhất trong loại hình này là loại đĩa lớn có kích thước 32-34 cm, thành trong in nổi băng hoa văn cánh cúc, dưới đáy phủ men. Đặc biệt là chiếc đĩa men ngọc duy nhất được trang trí nổi biểu tượng hình rồng – con vật đặc trưng cho nghệ thuật thế kỷ XIII hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi phân loại và đánh giá, các nhà nghiên cứu cho rằng hiện vật vật thu được mang nhiều đặc trưng của gốm sứ Trung Quốc thế kỷ XIII. Trong lòng tàu khi hút cạn đã thu thêm được một số hiện vật được cho là của thủy thủ đoàn bao gồm: gương đồng, quả cân đồng, đinh đồng. Đặc biệt là 19 loại tiền đồng mặt tròn lỗ vuông thời Đường – Tống rất có giá trị để xác định niên đại của con tàu.
Một hành trình khai quật đầy ý nghĩa
Cho đến thời điểm hiện tại, tàu đắm Bình Châu hiện đang là con tàu có niên đại cổ nhất và kết cấu còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trên vùng biển Việt Nam, là một hiện vật cổ quan trọng, có giá trị đóng góp to lớn vào công cuộc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới. Kết quả khai quật đã đóng góp vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa gốm sứ trên biển Đông trong nhiều thế kỷ trước đây.
Thùy Dương
[…] Không gian khai quật tàu đắm Bình Châu 700 năm tuổi, cổ nhất Việt Nam; […]