Những ngày này, khi cái rét buốt của mùa đông đang dần nhường chỗ cho từng giọt nắng vàng ươm, soi rọi lên cả những hàng nhang đang phơi trước sân nhà, đâu đó vang lên tiếng gõ bánh in cùng mùi thơm lan tỏa khắp con đường dẫn tới ngôi làng làm nghề truyền thống. Một bức tranh sinh động, vui tươi và tất bật giúp lòng người cảm nhận rõ hơn, rằng: Tết đã chạm ngõ rồi!
“Mùa lửa đỏ”
Đã thành thông lệ, cứ đến dịp cận Tết Nguyên đán, những lò bánh, mứt truyền thống ở Quảng Ngãi lại bước vào một mùa “nổi lửa” mới.
Khắp làng, từ đầu trên đến xóm dưới không khí luôn tất bật, mọi người ai nấy đều hối hả để nhanh chóng cho ra lò những mẻ bánh, mứt thơm ngon phục vụ người dân gần xa đón Tết. Nào là bánh nổ, bánh thuẫn, bánh tráng, nào là mứt gừng, mứt dẻo,…Tất cả đều làm nên hương vị Tết ngọt ngào của quê hương xứ Quảng.
Bánh nổ – Hương vị đồng lúa quê nhà
Vừa băng qua cánh đồng rợp màu xanh của lúa non tại thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), tiếng đóng bánh nổ lộc cộc vang vọng khắp nơi. Bên hiên nhà các hộ gia đình làm bánh là chất chồng những bao tải chứa nguyên liệu. Phía bên trong nhà có những cây bánh vừa đóng xong còn mềm đang được chờ cắt ra thành những lát nhỏ. Mỗi người một việc, những đôi tay thoăn thoắt đóng bánh, khuấy đường, cắt bánh, đóng gói… Tất cả khiến căn nhà trông giống như một “nhà máy” làm bánh chuyên nghiệp.
“Cái nghề làm bánh này có từ thời ông bà rồi. Vì là làm thủ công nên để làm ra lát bánh nổ phải qua nhiều khâu rất công phu, tốn nhiều công sức”. Anh Lê Văn Trung – chủ một hộ gia đình làm bánh cho biết.
Bánh tráng mỏng – Đặc sản bình dị xứ Quảng
Bánh tráng mỏng là làng nghề làm quanh năm. Thế nhưng, cứ mỗi độ cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, nên làng nghề phải hoạt động hết công suất. Chị Ngọc Vy – Người đã có hơn chục năm gắn bó với nghề làm bánh tráng chia sẻ: “Nếu như ngày bình thường, mình chỉ làm một buổi, thì gần Tết phải nâng “công suất” lên một ngày.
Không chỉ chị Vy, hàng chục hộ dân làm nghề bánh tráng mỏng tại xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vẫn miệt mài với công việc. Mỗi người một công đoạn từ xay bột đến tráng bánh, rồi phơi, sấy, đóng gói… Đối với họ, đây là giai đoạn vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất vì hàng bán chạy nhất trong năm.
Thấy mứt gừng là thấy Tết
Tết sắp về, các lò mứt gừng lại đỏ lửa từ sáng đến tối. Tuy chỉ làm trong một thời gian ngắn, nhưng nghề làm mứt truyền thống đã tạo một khoản thu nhập đáng kể cho hàng trăm phụ nữ địa phương. Bàn tay của các cô, các chị thoăn thoắt với các công đoạn như: cạo vỏ, cắt lát gừng, rim và phơi mứt.
Không thể phủ nhận, mứt gừng cùng với các loại mứt truyền thống khác đã làm đậm đà thêm phong vị cho ngày Tết cổ truyền.
Giữ hồn cho Tết xưa…
Trong tiết trời đầu xuân, được nhâm nhi ly trà nóng và thưởng thức các loại bánh, mứt do người quê mình làm ra cho con người ta cảm giác vừa dân dã vừa thanh tao. Không chỉ bánh nổ, bánh thuẫn, mứt gừng,… quê mình mà còn rất nhiều những đặc sản khác nữa, vẫn rất được ưa chuộng mỗi độ Tết về. Và họ – những con người làm chủ hộ gia đình làm nghề truyền thống ấy, vẫn âm thầm gìn giữ hồn cốt ngày Tết Việt Nam.