Dấu ấn văn hóa Chăm Pa trong thư phòng nhà cổ Việt – Chăm
Chăm Pa là một Vương quốc độc lập, tồn tại trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam. Người Chăm có một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo, có đóng góp quan trọng vào văn hóa dân tộc trong lịch sử và tỏa sáng đến ngày nay. Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Chăm – Việt diễn ra sâu sắc nhất là trên đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ. Thư phòng nhà cổ tại Thành Cổ Quảng Ngãi là một đặc trưng cho sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm như thế.
Tổng quan kiến trúc thư phòng cổ Việt – Chăm
Đây là một thư phòng với lối kiến trúc Việt – Chăm độc đáo. Chủ nhân là ông Lâm Hồng Phúc – quan hàng tam phẩm thời Thiệu Trị và Tự Đức. Ông dựng ngôi nhà năm 1839 ở Phước Thắng, Tuy Phước, Bình Định. Năm 1992, ông Nguyễn Thành Gia sưu tầm về dựng tại Nhơn Hội, Quy Nhơn. Năm 2015, Công ty Đoàn Ánh Dương sưu tầm và dịch chuyển vị trí phục dựng trong khuôn viên bảo tàng Quảng Ngãi cùng nằm trong hệ thống khu nhà cổ.
Ngôi nhà quay mặt về hướng đông để đón dương khí. Thư phòng có tất cả 5 cửa ra vào gồm: 1 cửa chính, 1 cửa phụ và 3 cửa ở vách lưng. Mái nhà được lợp từ ngói liệt, xếp chồng lên nhau. Đây là mái ngói đặc trưng của người dân khu vực miền trung. Toàn bộ ngôi nhà được chạm trổ rất nhiều hình rồng thể hiện quyền lực và sự cao quý, phồn vinh. Hình ảnh lưỡng long tranh châu thể hiện sự cân bằng, hài hòa giữa hai thái cực âm dương.
Bên trên cửa chính có trang trí mâm ngũ quả thể hiện: Phúc – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Bên phải có các họa tiết: hoa mai, hoa mẫu đơn, chim muông… thể hiện sự thịnh vượng, gần gũi với thiên nhiên. Bên trái có các họa tiết: chữ thọ, rùa đội hạc… thể hiện sự trường thọ, may mắn. Nhà còn có các hoành phi, câu đối theo truyền thống Việt. Mặc dù nhỏ nhưng ngôi nhà rất độc đáo và hiếm có.
Sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm trong kiến trúc thư phòng
Sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm của ngôi nhà được thể hiện qua các vật liệu xây dựng, cách bài trí và các họa tiết hoa văn của ngôi nhà.
Ngôi nhà có tổng cộng 16 cột đặt trên các chân trụ bằng đá sa thạch. Chân trụ trang trí họa tiết cánh sen cách điệu và đặc biệt là mặt hình con sư tử mắt lồi. Sư tử là con vật nổi bật trong điêu khắc đá Chăm Pa. Chủ nhân ngôi nhà đã khéo léo đưa kiến trúc điêu khắc sư tử mắt lồi vào ngôi nhà của mình. Thể hiện mong muốn về quyền uy, sức mạnh bên cạnh những kiến trúc tiêu biểu của người Việt.
Bên trong ngôi nhà còn có khối điêu khắc bộ sinh thực khí Linga – Yoni của văn hóa Chăm. Linga và Yoni được xem như là cội nguồn của sự sáng tạo, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm xưa. Nhằm cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở sung túc. Không ở đâu Linga – Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở Chăm Pa.
Một sự tiếp biến văn hóa độc đáo
Ngày nay Vương quốc Chăm Pa không còn nữa nhưng các công trình kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của người Chăm còn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Thư phòng nhà cổ Việt – Chăm lưu giữ những nét đặc sắc của văn hóa Chăm Pa. Thể hiện quan hệ tiếp biến văn hóa giữa Chăm và Việt. Đây là một quan hệ lịch sử đặc biệt nhằm làm giàu thêm, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.