Chùa Ông với sự kết hợp kiến trúc hài hoà giữa hai nền văn hoá Hoa – Việt được thành lập từ thế kỷ 17 bởi 4 tộc họ người Minh Hương gồm Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.

Đến Chùa Ông Thu Xà ở Nghĩa Hoà – Quảng Ngãi  vào một ngày bình thường với cái nắng nhẹ cuối tháng 12, tôi mới cảm nhận được đời sống tâm linh của người dân địa phương nơi đây như thế nào. Một anh ngư dân vừa đi đánh bắt cá về, quần áo vẫn còn lấm lem đang chắp tay cầu nguyện, quỳ lạy bà Thiên Hậu che chở cho ngư dân miền biển. Tay thì cầm hương, tay xách trái cây một cô gái vừa buôn bán ở chợ về cũng vội vàng vào chùa bày tỏ lòng thành kính dưới tượng Bà Quan Âm. Anh nông dân hiền lành, chất phác đứng thắp hương ở gian thờ Kim Đẩu – trông coi việc sinh nở. Một vài người thắp hương ngay cả dưới tượng ngựa Xích Thố của đức Quan Thánh. Thế mới biết ông bà ta từ xưa đến nay, chuyện tâm linh đã là một phần quan trọng trong đời sống của con người.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0187-h1-1.jpg
Hình 1: Chùa Ông Thu Xà (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Chùa Ông với sự kết hợp kiến trúc hài hoà giữa hai nền văn hoá Hoa – Việt được thành lập từ thế kỷ 17 bởi 4 tộc họ người Minh Hương gồm Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam. Trải qua nhiều binh lửa, phố cổ Thu Xà đã bị chiến tranh tàn phá tan hoang và chùa chiền cũng bị hư hỏng rất nhiều duy chỉ có chùa Ông là còn nguyên vẹn. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng để người dân nơi đây tin rằng Chùa Ông là một nơi vô cùng linh thiêng luôn được che chở bảo vệ – Ông Từ Quang Tuấn, trưởng ban quản lý di tích Chùa Ông chia sẻ . Từ đó, chùa Ông dần trở thành một trong những nơi thờ phụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thu hút nhiều người tín tâm đến chiêm bái, tham quan, xin xăm, gieo quẻ.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF6363-h2-1.jpg
Hình 2: Ông Từ Quang Tuấn – Trưởng Ban quản lý Di tích Chùa Ông chia sẻ thông tin về chùa với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Di sản (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Chùa thờ Quan Công ở gian chính điện, thờ Phật Quan âm Nam Hải ở gian hậu cung theo kiểu “Tiền thánh hậu Phật”. Hai gian phụ ở hậu cung cũng thờ cụm tượng Thiên Hậu và cụm tượng Kim Đẩu cùng 12 bà mụ. Các tượng thờ ở hậu cung chất liệu bằng đồng, gỗ hoặc đất nung, chế tác hết sức công phu, trau chuốt. Các tượng bài trí quay mặt ngược hướng tượng thờ ở gian chính điện.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0162-h3-1.jpg
Hình 3 : Gian chính điện thờ Quan Công (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0171-h4-1.jpg
Hình 4 : Gian chính hậu cung thờ Phật Bà Quan Âm Nam Hải (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0173-h5-1.jpg
Hình 5 : Gian phụ bên trái hậu cung thờ cụm tượng Kim Đẩu (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0172-h6-1.jpg
Hình 6 : Gian phụ bên phải hậu cung thờ cụm tượng Thiên Hậu (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Phong tục đi “hái lộc đầu năm, xin xăm ngày tết” đã ăn sâu vào trong sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương từ rất lâu đời. Nó đã trở thành một nếp sinh hoạt của đời sống tinh thần với đủ màu sắc phong phú. Bởi thế cứ mỗi dịp tết đến xuân về, hay những ngày lễ hội và kể cả những ngày thường như hôm nay, khi có lòng thành kính mong ước điều gì hay muốn biết vận mệnh tương lai của mình ra sao người dân lại về chùa Ông khấn vái, xin xăm, xin keo. Một chiếc chiếu lớn được trải dưới chân tượng Ông Quan Thánh là nơi đặt những ống xăm và các lá keo. Người dân quỳ lạy lắc xăm và xin keo ở đây. Việc khấn vái, xin xăm, keo như trên là đời sống tâm linh là nơi giúp người ta tĩnh tâm, gửi gắm ước nguyện để củng cố niềm tin, củng cố tinh thần. Màu nhiệm của tín ngưỡng có thể khó chứng minh nhưng sự nỗ lực của bản thân mỗi người, của cộng đồng của cả dân tộc với tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai sẽ là nội lực để giúp người dân vượt sóng gió và vươn lên trong cuộc sống.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0176-h7-1.jpg
Hình 7 : Xăm và Keo dưới chân tượng Quan Thánh (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Ông Từ Quang Tuấn cũng chia sẻ thêm Chùa Ông Thu Xà là nơi trái cây được đem về cúng nhiều nhất so với các ngôi chùa khác ở Quảng Ngãi. Có lẽ vì thế ngay từ đầu ngõ vào chùa Ông, các dịch vụ bán nhang, hoa quả mọc lên rất nhiều đặc biệt vào các ngày tết hay ngày lễ hội. Các dịch vụ giải mã xăm cho khách tới chùa xin xăm trải dài khắp ngõ. Các nhà dân xung quanh chùa cũng nhộn nhịp giúp hàng ngàn lượt khách đến đây an tâm vì có chỗ gửi xe máy, ô tô. Tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh sinh động thể hiện sự hoà quyện của đời sống tâm linh vào cuộc sống thực tế của người dân Thu Xà. Có thể thấy di tích Chùa Ông đã góp phần đưa một lượng du khách lớn về với Thu Xà, vừa phát huy được giá trị của di tích này vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thiết nghĩ Chùa Ông Thu Xà cần được quan tâm và bảo tồn hơn nữa vì đó cũng chính là bảo vệ đời sống tâm linh của người dân địa phương và góp phần kết nối với khu du lịch sinh thái Bãi Dừa cùng làng don nổi tiếng Nghĩa Hoà tạo nên một điểm đến đầy hấp dẫn trong tuyến tour du lịch Quảng Ngãi.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0157-h8-1.jpg
Hình 8: Người dân buôn bán xung quanh Chùa Ông (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Nguyễn Thị Lệ – Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản