Việc gia tăng những yếu tố truyền thống trong các sản phẩm ứng dụng đời sống hiện đại không chỉ mang lại thành công cải thiện thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn văn hóa, đóng góp hiệu quả cho cộng đồng và xã hội.
Việt Nam nổi tiếng trên thế giới với các giá trị văn hóa và chất liệu truyền thống được ứng dụng trong các sản phẩm phục vụ đời sống. Nhiều chuyên gia văn hóa nhận định, tính truyền thống không chỉ giúp cải thiện sinh kế cho người dân mà còn tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm khác mang đậm hình ảnh văn hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng truyền thống trong các sản phẩm còn góp phần khôi phục các nghề thủ công, phong tục tập quán hay những giá trị đang bị mai một.
Nghề truyền thống ứng dụng trong đời sống hiện đại
Tại tọa đàm lần 2 chủ đề “Đánh thức truyền thống” do Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức, chuyên gia Lê Bá Ngọc cho rằng, các nhà thiết kế cần xem xét truyền thống là nhịp cầu kết nối các giá trị mới, chứ không phải là di tích của quá khứ. Thông qua việc khai thác giá trị vật thể và phi vật thể như phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, công trình kiến trúc… hoặc sử dụng các nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất truyền thống, các thiết kế sáng tạo sẽ góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa địa phương.
Nhu cầu của các đối tượng khách hàng và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, các sản phẩm của các làng nghề cũng trở nên đa dạng và có tính ứng dụng cao. Những sản phẩm được xuất khẩu đã có vị thế quan trọng và khẳng định được thương hiệu của nghề truyền thống Việt Nam.
Điển hình, làng nghề mây tre đan Liên Khê thuộc huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên nổi tiếng trong xuất khẩu hàng thủ công của địa phương nổi tiếng của nước ta. Làng nghề được hình thành từ những năm 90 của thế kỉ XX và phát triển cho tới ngày nay. Hiện nay, sản phẩm mây tre đan Liên Khê đang từng ngày phát triển mạnh mẽ trở thành thương hiệu quen thuộc được sử dụng trong việc trang trí các không gian nội thất mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Những sản phẩm của mây tre đan Liên Khê được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Với nét giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo và lôi cuốn, có giá trị về thẩm mỹ và tính ứng dụng cao các sản phẩm mây tre đan Liên Khê chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng quốc tế, các đơn đặt hàng ngày một nhiều, tăng về số lượng và đa dạng về mẫu mã.
Làng nghề Quảng Ngãi ứng dụng bước tiến mới
Tại Quảng Ngãi, Làng nghề mây, tre đan ở Tịnh Ấn Tây và nhiều làng nghề khác đã có từ rất lâu đời, là nghề mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân nơi đây. Người dân tỉ mỉ tạo ra những sản phẩm, với nhiều mẫu mã đa dạng khác nhau như giỏ, mẹt, khung đèn,.. Tất cả sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh giúp cải thiện sinh kế người dân và có thêm động lực để nối tiếp nghề truyền thống trong tương lai. Người dân không ngừng sáng tạo, đổi mới một số các sản phẩm thích ứng với đời sống hiện đại tạo nên thương hiệu chất lượng cho địa phương mình.
Huyện Trà Bồng nổi tiếng với cây quế, từ các sản phẩm như bột quế, nhang quế, người dân đã tạo nên các sản phẩm đa dạng khác như nước rửa chén, lau sàn, hàng thủ công mỹ nghệ. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương và đưa sản phẩm mang thương hiệu Quế Trà Bồng ra thế giới.
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có thổ cẩm của người đồng bào Hrê (Làng Teng) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các sản phẩm của Làng Teng đã trở nên đa dạng và phong phú hơn dưới bàn tay của các nghệ nhân trẻ. Từ may trang phục truyền thống của người Hrê, các sản phẩm khác được thiết kế sử dụng chất liệu thổ cẩm như khăn quàng cổ, búp bê, móc khóa, áo dài, áo vest… Các sản phẩm được lồng ghép khéo léo những đặc trưng của thổ cẩm Làng Teng vào tạo nên những sản phẩm phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng. Từ đó, sản phẩm thổ cẩm được biết đến rộng rãi hơn và trở thành một món quà không thể thiếu khi du khách đến với Quảng Ngãi. Các hoa văn trên tấm thổ cẩm được các nhà thiết kế thời trang tạo ra những sản phẩm và quảng bá trong các chương trình sự kiện lớn.
Trong tương lai, việc lồng ghép sáng tạo các sản phẩm thủ công từ các làng nghề truyền thống ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung được đặt lên hàng đầu. Các sản phẩm được tạo ra sẽ giải quyết vấn đề kinh tế, duy trì các hoạt động sản xuất của địa phương và phát triển du lịch trải nghiệm. Khi kết nối với quá khứ, được truyền cảm từ các câu chuyện, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa – lịch sử – ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương… cộng với quan điểm sáng tạo độc đáo, các làng nghề sẽ tạo ra các sản phẩm sáng tạo mới mang đậm chất văn hóa Việt.
Thủy Tiên