Trong những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng với Công ty CPĐT PT Đoàn Ánh Dương đã mời nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực như: địa chất, địa mạo, văn hóa- lịch sử, môi trường, cảnh quan, du lịch, kiến trúc quy hoạch…điều tra, khảo sát nghiên cứu tiềm năng xây dựng CVĐC toàn cầu ở khu vực Lý Sơn-Bình Châu và vùng phụ cận. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã cho thấy khu vực này tích hợp nhiều loại hình di sản giá trị trong đó nổi bật nhất là di sản địa chất, được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa nhiều giai đoạn kế tiếp nhau từ 9-10 triệu năm đến trên dưới 3.000 năm trước. Chúng thể hiện một cách đa dạng và tiêu biểu cho các hoạt động núi lửa trẻ ven biển Việt Nam và có thể cho cả thềm lục địa vùng biển Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đây cùng là khu vực chứa đựng nhiều loại hình di sản khác như di sản văn hóa, khảo cổ học… và các giá trị về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái … Giá trị nổi trội của di sản là tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển kinh tế -xã hội khu vực CVĐC nói riêng cũng như tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam nói chung.
- Sự cần thiết của đề án.
Quảng Ngãi nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, định hướng phát triển kinh tế biển đảo được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vạch ra với 4 trụ cột chính: 1) Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu đô thị ven biển; 2) Phát triển mạnh nuôi trồng, chế biến sản phẩm từ biển; 3) Khai thác tài nguyên biển, vận tải biển, dịch vụ biển, cảng biển; 4) Phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế du lịch và thủy sản. Việc xây dựng CVĐC sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh một cách bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển CVĐC Lý Sơn, trong đó có nhiệm vụ lập hồ sơ CVĐC Toàn cầu, được xem là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Để xây dựng hồ sơ đáp ứng các tiêu chí của một CVĐC Toàn cầu, yêu cầu cấp thiết là phải bảo tồn DSĐC, văn hóa, môi trường cảnh quan, hệ sinh thái trong toàn bộ phạm vi khu vực CVĐC. Theo ý kiến nhiều nhà khoa học thì khu vực này tập trung nhiều loại hình di sản, có môi trường cảnh quan đẹp, hệ sinh thái phong phú, là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Song hiện tại nguồn tài nguyên quan trọng đó đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại, bị phá hủy như: sự phát triển các dịch vụ du lịch không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, nhiều di sản đang và đã bị xâm hại, bị xuống cấp nghiêm trọng. Sự khai thác có tính chất hủy diệt hệ sinh thái biển và khai thác nguồn thủy hải sản không theo kế hoạch mùa nên nguồn con giống, môi trường sống… bị cạn kiệt, bị phá hủy. Mặt khác, hoạt động xây dựng tràn lan thiếu quy hoạch cũng dẫn đến nhiều di sản quan trọng bị xâm hại nghiêm trọng, có nguy cơ bị phá hủy, không thể phục hồi được. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển CVĐC Lý Sơn là giải pháp tối ưu nhất để bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Mục tiêu chung
Xây dựng và phát triển CVĐC Lý Sơn, bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của DSĐC và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo đảm an ninh-quốc phòng của khu vực CVĐC nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam nói chung.
- Nội dung của đề án
- Xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn
- Lập kế hoạch quản lý CVĐC Lý Sơn và một số quy hoạch, kế hoạch liên quan khác
- Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể DSĐC và các loại hình di sản khác ở CVĐC Lý Sơn
- Triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về DSĐC và CVĐC, xúc tiến du lịch nói chung và du lịch địa chất nói riêng, kêu gọi đầu tư ở CVĐC Lý Sơn
- Lập, tổ chức bảo vệ hồ sơ công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn
- Tổng hợp tài liệu hiện có, triển khai các hoạt động nghiên cứu bổ sung, nhận dạng, đánh giá, xếp hạng DSĐC, di sản văn hóa, đa dạng sinh học…, làm cơ sở xác định ranh giới CVĐC Lý Sơn, chuẩn bị hồ sơ và tiến hành các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của DSĐC và các loại hình di sản khác ở khu vực này.
- Tổ chức hội thảo Khoa học Quốc gia hoặc Quốc tế
- Xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ
- Mời chuyên gia tư vấn xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh hồ sơ và triển khai công tác chuẩn bị đón đoàn thẩm định của UNESCO.