Tương lai của những di sản văn hóa sẽ phụ thuộc phần lớn vào quyết định và hành động của thế hệ trẻ – những người sẽ trở thành các nhà lãnh đạo trong tương lai. Kết nối và huy động sức mạnh trẻ nằm trong kế hoạch chiến lược của nhiều quốc gia. Giúp thanh niên hiểu hơn giá trị lịch sử – kinh tế của di sản, từ đó khơi dậy niềm đam mê và ý thức bảo tồn, phát triển di sản quốc gia.

Yemen – Huy động sức mạnh trẻ để bảo tồn di sản

Bối cảnh

Cộng hòa Yemen tọa lạc tại cực Nam của Bán đảo Ả Rập. Địa hình khô cằn, không có mấy tài nguyên khoáng sản và nạn tham nhũng khiến Yemen là một trong những nước nghèo trên thế giới. Tuy vậy, đây vẫn là quốc gia có nhiều di tích lịch sử và thành phố cổ đạt chuẩn di sản thế giới.

Dự án tại Yemen giúp hàng nghìn thanh niên thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Nguồn: Báo Ngày Nay
Dự án tại Yemen giúp hàng nghìn thanh niên thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Nguồn: Báo Ngày Nay

Nhưng rồi xung đột nổ ra từ năm 2014, khiến nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Yemen suy giảm. Người dân Yemen, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế. Và dĩ nhiên, di sản văn hóa của đất nước này cũng đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt. Nhiều công trình di sản bị phá hủy trong các cuộc pháo kích. Kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến chính quyền nước này thiếu nguồn lực phối hợp để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa.

Bước ngoặt “hồi sinh” cuộc sống

Trong bối cảnh đầy thách thức ấy, dự án “Thúc đẩy cơ hội sinh kế cho thanh niên thành thị ở Yemen” (1) đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong nhận thức của lớp thanh niên trẻ. Dự án tạo việc làm cho hầu hết thanh niên Yemen trong thành phố. Đồng thời, đưa họ trở thành người tham gia bảo tồn và phục hồi di sản địa phương.

Sami – một trong số hàng trăm thanh niên Yemen được tuyển dụng trong Dự án, với công việc tại Bảo tàng Quốc gia Cung điện Sultan ở Aden. Bảo tàng này nhìn ra chợ cá trung tâm Aden – nơi Sami từng nhiều năm buôn bán cá, vất vả nhưng thu nhập bấp bênh. Hiện tại, Sami nhận lương ổn định hàng tuần. Cuộc sống của anh thay đổi rất nhiều từ Dự án. Hay nói cách khác, Dự án đã “hồi sinh” cuộc sống của Sami và nhiều thanh niên khác nữa. Mở ra “cánh cửa” để họ nuôi sống bản thân, gia đình và thực hiện những giấc mơ còn dang dở”.

Dự án đã tái khẳng định tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận: “Lấy con người làm trung tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa; đảm bảo quyền sở hữu của cộng đồng đối với di sản”. Dự án giúp bảo tồn các di sản văn hóa, tạo việc làm cho giới thanh niên trẻ. Qua đó, tạo sự gắn kết xã hội, góp phần xây dựng hòa bình tại một quốc gia vốn nhiều bất ổn như Yemen.

Campuchia – Giáo dục di sản trong nhà trường

Nhằm tạo môi trường hiểu biết về lịch sử Vương quốc Campuchia cho giới trẻ, Bộ Giáo dục Campuchia và Cơ quan Quốc gia chịu trách nhiệm về khảo cổ học Angkor, Apsara đã thiết lập một loạt các chương trình giáo dục. Chương trình nhằm mục đích khuyến khích học sinh, sinh viên tìm hiểu về các di sản địa phương, để có hiểu biết sâu sắc hơn về di sản văn hóa của họ.

Thành công của khóa học chính là đã khơi dậy tình yêu của sinh viên với các di sản văn hóa. Thông qua các chuyến đi thực tế, học sinh không chỉ được “giải phóng” khỏi những trang sách vở, lý thuyết; mà họ còn ý thức được giá trị của địa phương mình qua các di sản. Từ đó, họ sẽ cùng tham gia với cộng đồng bảo vệ những di sản này. Đây cũng là nguồn động viên để giới trẻ tích cực quảng bá di sản văn hóa trong và ngoài cộng đồng của họ.

Dự án Giáo dục di sản trong nhà trường tại Campuchia. Nguồn: Báo Ngày Nay
Dự án Giáo dục di sản trong nhà trường tại Campuchia.
Nguồn: Báo Ngày Nay

Chương trình Giáo dục di sản đã đạt được những kết quả bất ngờ. Nhiều bạn học sinh có thể hiểu rõ và kể tường tận các lễ hội văn hóa tâm linh, lịch sử đằng sau những ngôi chùa cổ kính mà trước đây, họ thấy hoàn toàn xa lạ.

Việt Nam – Giới trẻ ra sức gìn giữ di sản văn hóa

Vận động giữ gìn di sản

Năm 2014, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phá bỏ Thương xá TAX, để xây dựng một trung tâm thương mại cao 40 tầng. Thương xá TAX là một công trình kiến trúc theo trường phái Art Deco – một trung tâm thương mại sang trọng và sầm uất bậc nhất ở Đông Dương dưới thời Pháp thuộc. Đây còn là nơi mua sắm nhộn nhịp ở Sài Gòn trước năm 1975. Trải qua nhiều thăng trầm, Thương xá TAX đã nhiều lần thay đổi tên gọi và chủ sở hữu. Nhưng nó luôn được coi là một di sản kiến trúc đô thị cần bảo tồn bởi giá trị kiến trúc và mỹ thuật độc đáo.

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là địa điểm giới trẻ ưa thích đến tìm hiểu giá trị văn hóa và kiến trúc độc đáo
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là địa điểm giới trẻ ưa thích đến tìm hiểu giá trị văn hóa và kiến trúc độc đáo.
Nguồn: Tản Mạn Kiến Trúc

Khi được tin Thương xá TAX sẽ bị phá dỡ hoàn toàn để nhường chỗ một tòa cao ốc 40 tầng, nhiều chuyên gia về bảo tồn và những người yêu mến di sản kiến trúc ở trong và ngoài nước đã kiến nghị kêu gọi bảo tồn những chi tiết kiến trúc quan trọng và đặc sắc của Thương xá TAX. Trong số đó có Đài Quan sát di sản Sài Gòn – một nhóm hoạt động xã hội, tập hợp các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, bảo tồn bảo tàng…Trong đó có rất nhiều người trẻ nhưng có lòng yêu mến và mong muốn bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Cuộc vận động của Đài Quan sát di sản Sài Gòn và nhiều tổ chức khác đối với việc bảo tồn di sản kiến trúc Thương xá TAX đã được chính quyền và các cơ quan chức năng ở TP.HCM lắng nghe. Tháng 10.2016, Thương xá TAX chính thức bị phá dỡ, nhưng các chi tiết kiến trúc có giá trị lịch sử và mỹ thuật của công trình này như: Các thảm gạch mosaic (làm thủ công từ Bắc Phi), hệ thống cầu thang và mái vòm đồng hồ cổ điển, đã được bảo lưu để tái hiện trong công trình kiến trúc mới. Sau thành công này, các thành viên trẻ trong Đài Quan sát di sản Sài Gòn tiếp tục lên tiếng kêu gọi bảo vệ các di sản kiến trúc khác như Dinh Thượng thư ở TP.HCM hay khu vực đồi Dinh ở Đà Lạt.

Những người trẻ yêu mến và mong muốn bảo vệ các giá trị văn hóa – lịch sử Việt Nam

Sau sự ra đời của Đài Quan sát di sản Sài Gòn vào năm 2014, đã có thêm nhiều nhóm hoạt động xã hội của những người trẻ được thành lập ở Việt Nam. Mục đích là kêu gọi sự chú ý của cộng đồng để bảo vệ các di sản văn hóa của Việt Nam. Trong đó có cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể. Tôn vinh giá trị các di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững.

Sự yêu mến và những hoạt động tích cực của người trẻ trong lĩnh vực di sản văn hóa hiện nay đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị, lan truyền kiến thức, sự đam mê và tình yêu của giới trẻ và cộng đồng nói chung đối với di sản văn hóa của Việt Nam.

(1) Dự án được thực hiện bởi UNESCO và Quỹ Phát triển Xã hội, kéo dài cho đến năm 2022. Thông qua sự kết hợp giữa tạo việc làm trong lĩnh vực văn hóa với việc bảo tồn và phục hồi kiến trúc đô thị, UNESCO và Liên minh châu Âu hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất phục hồi sau khó khăn. Bất chấp đại dịch COVID-19, tính đến tháng 3 năm 2021, dự án đã đạt được các kết quả: khảo sát hơn 8.000 tòa nhà lịch sử; ổn định và phục hồi 130 tòa nhà lịch sử, tuyển dụng hơn 1.300 lao động trẻ dưới 35 tuổi, thu hút hơn 500 thanh niên tham gia chương trình văn hóa và chiến dịch.

Bài viết có tham khảo:

  • Bài báo “Kết nối người trẻ với di sản” được phát hành trên Báo Ngày Nay vào ngày 30/04/2021.
  • Tạp chí Heritage số tháng 3-2021. Heritage là số tạp chí đặc biệt được cung cấp và in ấn cho các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Đây là tờ tạp chí hướng tới vẻ đẹp của tinh thần văn hoá – di sản của Việt Nam dành tặng cho bạn bè quốc tế.