Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi

THÔNG TIN DỰ ÁN

  • Tên dự án: TRUNG TÂM PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐA NĂNG QUẢNG NGÃI (giai đoạn 1)
  • Chủ đầu tư: Công ty CPĐT Phát Triển Đoàn Ánh Dương;
  • Địa điểm: 99 Lê Trung Đình, P.Lê Hồng Phong, Tp Quảng Ngãi;
  • Tổng diện tích dự án: 4.933,86 m2;
  • Hạng mục đầu tư gồm:Nhà trưng bày di sản vật thể; Nhà Văn hóa đa năng; Khu nhà Rường cổ Việt; Nhà văn phòng kết hợp dịch vụ và các công trình phụ trợ khác (Nhà xe, nhà bảo vệ,…);
  • Thời gian hoạt động: 49 năm;
  • Tổng mức đầu tư: khoảng 31 tỷ;
  • Nguồn vốn đầu tư: vốn tự có và vốn vay;
  • Hình thức đầu tư: theo mô hình xã hội hóa.

MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

Dự án Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi nằm trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, thuộc trung tâm thành phố. Đây là nơi nằm trên vùng đất cổ Cẩm Thành gắn với lịch sử phát triển lâu đời của Quảng Ngãi. Với mục tiêu bổ sung, hoàn thiện và nâng cấp phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Quảng Ngãi cùng với chất lượng chuyên môn cao, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ cư dân địa phương, đồng thời quảng bá các giá trị di sản văn hóa phong phú, đa dạng của Quảng Ngãi đến với du khách trong và ngoài nước, phục vụ phát triển du lịch. Thêm vào đó, dự án còn góp phần xây dựng Bảo tàng thành một trung tâm kết nối, đồng thời phát huy những giá trị văn hóa của Quảng Ngãi. Tái hiện lại một phần các hoạt động văn hóa truyền thống của Quảng Ngãi xưa trong khu vực thành cổ Cẩm Thành. Bên cạnh đó, dự án với mục tiêu xây dựng khu vực Bảo tàng trở thành một trung tâm văn hóa đa chức năng với các dịch vụ đa dạng vừa phát huy giá trị di sản văn hóa như trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh, phục dựng, tái tạo các hoạt động văn hóa truyền thống, vừa là nơi vui chơi, giải trí có tính chất hướng nghiệp cho thế hệ trẻ, lồng ghép với các dịch vụ văn hóa khác nhằm biến vị trí này thành một điểm đến về văn hóa để phục vụ đa dạng đối tượng khách, hấp dẫn cả du khách trong và ngoài nước.

  • Bổ sung, hoàn thiện và nâng cấp phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Quảng Ngãi với chất lượng chuyên môn cao nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của tỉnh góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ, cư dân địa phương. Đồng thời quảng bá các giá trị di sản văn hóa phong phú, đa dạng của Quảng Ngãi đến du khách trong và ngoài nước nhằm phục vụ phát triển du lịch.
  • Xây dựng bảo tàng thành một trung tâm kết nối và phát huy giá trị văn hóa của Quảng Ngãi. Tái hiện lại một phần các hoạt động văn hóa truyền thống của Quảng Ngãi xưa trong khu vực  thành cổ Cẩm Thành.
  • Xây dựng khu vực Bảo tàng trở thành một trung tâm văn hóa đa chức năng vừa phát huy giá trị di sản văn hóa như trưng bày giới thiệu các di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh, phục dựng, tái tạo các hoạt động văn hóa truyền thống, đồng thời là nơi vui chơi, giải trí có tính chất hướng nghiệp cho thế hệ trẻ, lồng ghép với các dịch vụ văn hóa khác nhằm biến vị trí này thành một điểm đến về văn hóa hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÂN KHU

  1. Nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể

Nhà trưng bày thuộc khu phía bắc bảo tàng, được bố trí gần cổng phụ đường Phan Huy Ích. Là nơi trưng bày các cổ vật cũng như các di sản văn hóa và giao lưu văn hóa của các nhà sưu tầm cổ vật. Ngoài ra còn có các hoạt động trưng bày các đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi rất đa dạng, phong phú về di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa biển. Trước yêu cầu đổi mới phục vụ mục đích phát triển kinh tế du lịch và chính trị thì việc trưng bày phát huy giá trị khối di sản khổng lồ đó là vô cùng cần thiết và cấp bách. Trong điều kiện Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chưa đủ điều kiện để thực hiện công việc này thì sự đóng góp, bổ sung của Công ty là điều hợp lý. Dự án sẽ xây dựng một khu nhà phục vụ cho việc trưng bày phát huy giá trị di sản vật thể của Quảng Ngãi bên cạnh Bảo tàng tỉnh. Tại đây sẽ trưng bày chủ yếu là di sản văn hóa biển và một số loại hình văn hóa khác nhằm tạo điều kiện cùng với Bảo tàng trưng bày giới thiệu di sản văn hóa Quảng Ngãi một cách đầy đủ hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, do sự phong phú và đa dạng về di sản văn hóa nên chúng ta cũng cần sự tham gia của các sưu tập tư nhân trong và ngoài tỉnh. Vì vậy khu này cũng sẽ dành riêng một không gian xứng đáng để các nhà sưu tập tư nhân có thể trưng bày các sưu tập của mình

Nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể dự kiến xây dựng gồm 1 tầng hầm, 1 tầng lầu với cách bố trí như sau:

  • Tầng hầm: bố trí khu trưng bày và kho
  • Tầng 1: bố trí các dịch vụ (hàng truyền thống Quảng Ngãi, dịch vụ giải khát,…) và văn phòng làm việc.

Tổng diện tích sàn sử dụng: khoảng 600 m2 (3 tầng: tầng hầm+ tầng 1+tầng mái).

  1. Nhà văn hóa đa năng

Nhà trưng bày thuộc khu phía bắc bảo tàng, được bố trí gần cổng phụ đường Phan Huy Ích. Là nơi trình chiếu về các thể loại văn học, lịch sử, khoa học cũng như các truyền thống văn hóa đất nước. Bên cạnh đó, còn là nơi tổ chức vui chơi trẻ em và có tính hướng nghiệp cho thế hệ trẻ.

Khu vực này đặc biệt giành cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh – những thế hệ trẻ mai sau sẽ là chủ nhân của đất nước. Chính vì vậy, việc giáo dục, khơi nguồn khám phá, tìm hiểu của các em về văn hóa truyền thống, lịch sử, xã hội của địa phương và đất nước một cách tự giác là vô cùng cần thiết. Đây là lứa tuổi hiếu động với các trò chơi tinh nghịch mang tính khám phá, do vậy đồng thời với việc phục dựng các loại hình kiến trúc truyền thống, ở đây xây dựng một khu vực giải trí mang tính lồng ghép giáo dục thông qua các hoạt động văn hóa cho trẻ em. Điểm mấu chốt để thu hút sự chú ý của các em chính là việc vừa học vừa chơi, cách làm này sẽ giúp các em không cảm thấy khô khan, thụ động và khó tiếp thu trong việc tiếp nhận những thông tin văn hóa, nghệ thuật. Ở đây, các em sẽ trở thành chủ thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Khu vui chơi này sẽ tổ chức các hoạt động lành mạnh, thân thiện với môi trường và khơi dậy tính tìm hiểu, khám phá của lứa tuổi học trò. Đó là một khu nhà hai tầng liên hợp vừa có phòng chiếu phim, phòng cho các cháu tập vẽ, tập nặn tượng, nhà kể các câu chuyện lịch sử để giáo dục truyền thống. Khu vui chơi sáng tạo giành cho trẻ em cũng là một yếu tố mới trong bảo tàng.

Thường ngày, sau khi tan học hoặc các ngày cuối tuần, ngày lễ, các bậc phụ huynh đến Bảo tàng thưởng thức những âm điệu văn hoá mới thì trẻ con vào khu vực vui chơi của mình, ở đây các em ngoài được xem những bộ phim kể về lịch sử hào hùng của dân tộc, những anh hùng đã đi vào huyền thoại như Thánh Gióng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ, hay những cuốn sử thi thời hiện đại về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ…mà các em còn có thể được tiếp cận với các thành tựu khoa học mới thông qua các bộ phim khoa học. Khu vui chơi này còn có phòng khám phá, sáng tạo cho các em như phòng vẽ tranh, nặn tượng hay những trò chơi trí tuệ khác giúp cho các em phát huy hơn nữa tính sáng tạo, tính ham học hỏi và điều quan trọng hơn là giáo dục giới trẻ lòng yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc.

Nhà văn hóa đa năng dự kiến xây dựng gồm 1 tầng trệt, 1 tầng lầu với cách bố trí như sau: bố trí trình chiếu các thể loại phim khoa học – lịch sử, văn hóa,.. bố trí các dịch vụ ( dịch vụ giải khát,…) và khu vui chơi.

Tổng diện tích sàn sử dụng khoảng: 556 m2 ( 2 tầng).

  1. Khu trưng bày nhà Rường

Khu nhà rường cổ Việt thuộc phía đông của Bảo tàng, là nơi tái hiện không gian truyền thống, vốn có từ bao đời nay của nhân dân Quảng Ngãi. Gồm 5 nhà rường chính kết nối với nhau qua các trường lang tạo một khu kiến trúc cổ kính, mộc mạc đậm nét văn hóa.

Nhà Rường cổ Việt là lọai hình kiến trúc khá phổ biến ở nông thôn từ Quảng Bình vào đên Bình Định và nhà Rường trở thành một bộ phận không thể thiếu được của văn hóa xứ Quảng. Kiến trúc nhà Rường có nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào vật liệu thì có nhà gỗ, nhà tre, nhà tranh…Về cấu trúc không gian thì có loại nhà 1 gian, 1gian 2 chái, 3 gian 2 chái…Quan trọng nhất của nhà rường là bộ khung gỗ hay còn gọi là bộ giàn trò, đây là một tổ hợp các cấu kiện: cột, kèo, xuyên, trến được ráp nối liên kết với nhau bằng mộng tạo nên một kết cấu khung gỗ vô cùng vững chắc. Bộ khung này được đặt trên một nền đất cao thông qua hệ thống chân táng. Chân táng thường được làm bằng đá gọt đẽo công phu có hoa văn tinh xảo có hình vuông hoặc hình quả bí ngô, hình búp sen…. Bộ khung gỗ và hệ chân táng tạo nên sự quý giá hay hoành tráng của ngôi nhà. Mái nhà rường thường được lợp bằng ngói âm dương, ngói liệt hoặc tranh tùy theo độ giàu nghèo của chủ nhân. Mái nhà thường dốc và rất dày. Về không gian, nhà rường được tạo theo triết lý và nguyên tắc Phương Đông truyền thống nên rất chặt chẽ. Không gian này thường được chia thành 4 phần chính có vách ngăn bằng gỗ: Gian giữa phía trong làm nơi thờ phụng tổ tiên, phía ngoài làm phòng khách, buồng phía đông giành cho chủ gia đình, phía tây cho mẹ hoặc vợ, phần phía sau nhà dành cho con cái. Phía trên trần nhà thường có rầm thượng dung làm nơi cất giữ của cải gia đình. Nhà rường thường được bố trí ở không gian rộng rãi có sân, vườn thoáng mát vừa là nơi cư trú nghỉ ngơi của gia đình vừa là nơi để những người có điều kiện vui thú tiêu giao cùng bạn bè, cảnh vật…

Sưu tập 03 ngôi nhà Rường có niên đại từ  120 năm đến 290 năm được sưu tầm trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tiến hành phục dựng và trưng bày tại khu vực phía Đông Bảo tàng.  Khu nhà Rường này chỉ phát huy giá trị khi được phục dựng cùng với các đồ vật đi kèm với chúng như bàn, ghế, sập gụ, tủ chè… và không gian kiến trúc truyền thống đặc trưng của nó đó là: cổng ngõ, khuôn viên cây cảnh phía trước, có ao nước, giả sơn xen lẫn cùng một số yếu tố phong thuỷ truyền thống phương Đông cổ đại khác.

Diện tích sàn sử dụng khoảng: 380 m2.

  1. Nhà văn phòng kết hợp dịch vụ văn hóa

Là nơi phục vụ cho Trung tâm nghiên cứu di sản văn hóa thuộc phía tây Bảo tàng, vừa là nơi tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về văn học, văn hoá nghệ thuật, địa chất, đồng thời nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương. Đây cũng là khu nhà đa chức năng vừa dùng làm văn phòng làm việc, vừa sử dụng một số mặt bằng trong nhà để kết hợp dịch vụ: bán các mặt hàng lưu niệm, phòng cung cấp thông tin các tour, tuyến du lịch,…Tại đây cũng có trưng bày và giới thiệu các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật đương đại của các tác giả người Quảng Ngãi như tượng, điêu khắc, ảnh …

+ Diện tích sàn sử dụng khoảng: 247 m2

SỰ PHÙ HỢP CỦA DỰ ÁN VỚI MÔ HÌNH XÃ HỘI HÓA

Trên cơ sở theo quy định của pháp luật về điều kiện được hưởng ưu đãi về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thì dự án Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1) đủ đảm bảo đáp ứng được danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành theo Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

  • Tiêu chí về quy mô: theo qui định tại Điểm 4.2 (thì dự án thuộc tên gọi trong danh mục Khu Văn hóa đa năng ngoài công lập), Mục 4 Quyết định số 693/QĐ-TTg:

+ Hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, dự án độc lập; (phù hợp với hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương)

+ Có diện tích đất tối thiểu là 2.500 m2 (Diện tích đất được Nhà nước cho thuê để thực hiện dự án: 4.933,86 m2  phù hợp với quy định);

+ Địa phương có quy hoạch. (theo Quyết định 99/QĐ-UBND ngày 26/1/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc Phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất dành cho các lĩnh vực xã hội hóa tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013-2020).

  • Tiêu chuẩn chất lượng:

+ Dự án đầu tư nhiều hạng mục công trình (Nhà Rường cổ Việt, Nhà Văn hóa đa năng, Nhà trưng bày di sản văn hóa vật thể, Nhà văn phòng kết hợp dịch vụ), trong đó, bao gồm nhiều chức năng như tổ chức nhiều loại hình văn hóa (trưng bày, triển lãm, tổ chức các sự kiện văn nghệ truyền thống, thơ ca,…), các dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, phục vụ theo nhu cầu của các nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em;

+ Dự án được đầu tư xung quanh sân vườn tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, có chức năng phù hợp với qui định về tổ chức, hoạt động của Bảo tàng được ban hành (Điều 12, Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng, cụ thể được khai thác các hoạt động dịch vụ trong khu vực của Bảo tàng; Điều 14, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 05 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, cụ thể được phép khai thác các loại hình dịch vụ, vé dịch vụ, ..để duy trì hoạt động của dự án);

HÌNH ẢNH CỦA DỰ ÁN

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/12/trung-tam-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-da-nang-quang-ngai-1.jpg
Mặt bằng tổng thể của dự án Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2018/12/trung-tam-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-da-nang-quang-ngai-3.png
Hình ảnh Bảo tàng nằm ở trung tâm thành cổ Cẩm Thành