I. THÔNG TIN CHUNG.

  1. Tên công trình: Khai quật Khảo cổ học, Bảo tồn vách địa tầng hố H8 và H10
  2. Địa điểm thực hiện: Di tích Khảo cổ học Gò Ma Vương Thuộc xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
  3. Diện tích thám sát và khai quật: 182 m2 phân thành 02 hố có ký hiệu H8 và H10. Mỗi hố có diện tích 81m2 .
  4. Diện tích bảo tồn tại chỗ : Tất cả các mặt cắt địa tầng 02 hố khai quật: (9×2 x4)x 2= 144m2
  5. Diện tích trưng bày: 182 m2
  6. Kinh phí: 1.320.200,000đ ( Một tỷ ba trăm hai mươi triệu, hai trăm nghìn đồng)                                  
  7. Thời gian thực hiện: 100 ngày (từ 01/6/2015 đến tháng 10/9//2015)
  8. Cơ quan thực hiện: Trung tâm Di sản Văn hóa Biển (Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản) – chi nhánh Công ty CPĐTPT Đoàn Ánh Dương
du-an-khai-quat-khao-co-hoc-bao-ton-vach-dia-tang-ho-h8-va-h10-8
Dụng cụ sinh hoạt bằng đá được phát hiện trong hố khai quật

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

  1. Mục tiêu của cuộc khai quật.

– Khai quật 02 hố H8 và H10 tại gò Ma Vương với mục đích nghiên cứu các giai đoạn hình thành, biến đổi của di tích, nghiên cứu di vật để phục dựng, bảo tồn và trưng bày tại chỗ toàn bộ diện mạo đời sống sinh hoạt của cư dân Sa huỳnh nơi đây.

– Thu thập, chỉnh lý, phục dựng và hệ thống hóa các loại hình di vật thu được trong các hố khai quật nhằm trưng bày giới thiệu tại địạ điểm trưng bày ngoài trời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc và tăng cường tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch.

– Qua chương trình có thể thu thập, hệ thống hoá các nguồn tư liệu lịch sử, tư liệu dân tộc học làm cơ sở cho việc giới thiệu lịch sử, văn hoá của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và  văn hóa Sa Huỳnh nói riêng.

  1. Đối tượng tiếp cận nghiên cứu

Đối tượng tiếp cận nghiên cứu là một phần di tích, di vật, địa tầng H8 và H10 thuộc Khu di tích Gò Ma Vương trong giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh- Quảng Ngãi.

  1. Phương pháp thực hiện dự án

Dự án sử dụng phương pháp Khảo cổ học là chính, đồng thời ứng dụng một số phương pháp khoa học tự nhiên và liên ngành, cụ thể:

– Phương pháp Khảo cổ học: điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật theo địa tầng, đào bóc từng lớp 20cm theo niên đại từ muộn đến sớm làm xuất lộ di tích, di vật trong từng lớp đào, sau đó xử lí di tích, di vật trong từng lớp của hố khai quật bằng đo, vẽ, chụp ảnh và định vị trên sơ đồ khai quật để làm cơ sở cho việc bảo tồn, phục dựng tại chỗ. Các loại hình di vật của từng lớp, từng hố sẽ được làm sạch, phơi khô, gắn chắp, ghi mã số, phân loại, thống kê, khảo tả, đo vẽ, chụp ảnh, phân tích niên đại, phân tích thành phần chất liệu, định tính và định lượng. Trên cơ sở đó lập hồ sơ, phân tích, so sánh, hệ thống hoá tư liệu và viết báo cáo khoa học. Đề xuất việc bảo quản khoa học và phát huy giá trị của những di tích, di vật khảo cổ thu thập được qua khai quật để phục vụ cho việc trưng bày tại chỗ, góp phần giáo dục truyền thống và tăng cường tiềm năng tham quan, nghiên cứu và du lịch cho địa phương.

– Phương pháp khoa học liên ngành và đa ngành:

+ Phương pháp địa chất, địa mạo nghiên cứu địa tầng; đồng thời sử dụng phương pháp toán thống kê, biểu đồ, đồ thị và các phương pháp của dân tộc học, sử học trong việc phân tích so sánh.

+ Bảo tồn tại chỗ địa tầng và mặt nền hố khai quật, phục dựng, gắn chắp hiện vật để trưng bày tại chỗ

du-an-khai-quat-khao-co-hoc-bao-ton-vach-dia-tang-ho-h8-va-h10-3
Các chuyên gia đang làm việc tại Hố khai quật

III. SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH

  1. Về các di tích và di vật

Tất cả các di tích, di vật Khảo cổ học xuật lộ trong hai hố khai quật đều được làm sạch, sấy khô, tiến hành bảo quản trong môi trường tốt, ghi mã số, lập phiếu thống kê, khảo tả chi tiết, đo, vẽ, chụp ảnh và lập hồ sơ khoa học theo từng vị trí khai quật. Các di vật đá, gốm sẽ được gắn chắp, phục chế và bảo quản. Sau khi chỉnh lí, phân loại xong sẽ tiến hành lập kế hoạch, danh mục, số lượng hiện vật để trưng bày, giới thiệu tại hai hố khai quật.

  1. Về hố khai quật.

Các vách địa tầng và nền hố khai quật được bảo tồn chắc chắn theo phương pháp N20- V006 của Nhật Bản, bảo đảm vách và nền hố không bị sụt lở, biến dạng về hình thái cũng như màu sắc phục vụ cho việc trưng bày lâu dài. Hố bảo tồn tại chỗ được nghiên cứu kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của hố cũng như đến độ an toàn của hiện vật trưng bày. Các yếu tố như địa hình, vị trí, thời tiết. độ ẩm…sẽ được tính toán đưa vào thiết kế để hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng, tác động xấu đến trưng bày.

Để bảo tồn, phục dựng hố khai quật khảo cổ học phục vụ trưng bày ngoài trời, ngoài việc phải tiền hành theo phương pháp khảo cổ học thông thường thì cần đặc biệt chú ý đến công tác tu sửa, chỉnh lý và giữ vách địa tầng của hố. Hố khai quật có độ sâu càng lớn thì việc xử lý vách địa tầng càng khó, càng phức tạp, kết cấu địa tầng không ổn định ( ví dụ như cát tại gò Ma Vương) thì việc xử lý lại càng phức tạp hơn nhiều. Vì ngoài việc phải bảo đảm vách không bị sụt lở thì còn phải gia cố thêm mặt lưng. Muốn gia cố mặt lưng thì phải khai quật thêm một đường cắt ( theo thuật ngữ khảo cổ học gọi là hố tăng-xê )  rộng từ 1m-1,5 m tùy theo độ sâu của hố để lấy mặt bảo quản và lấy chỗ để xử lý, Hố tăng Xê này chạy dọc theo vách địa tầng và có độ sâu bằng độ sâu của hố khai quật chính.

Do tính phức tạp của địa tầng tại gò Ma Vương và thực trạng nền móng của hai ngôi nhà trưng bày đã dựng sẵn, chúng tôi đưa ra giải pháp để chủ đầu tư quyết định:

+ Hố khai quật H8 và H10 nên đào với diện tích mỗi hố là 9×9= 81 m2.Vì những lý do sau:

– Diện tích này hoàn toàn phù hợp, cân đối  với ngôi nhà trưng bày dựng trên đó.

– Hố rộng ra thì chúng ta sẽ tận dụng được móng của ngôi nhà ( theo báo cáo là móng sâu trên 3m) để làm chỗ dựa của vách địa tầng nên tiết kiệm được số kinh phí đào hố tăng xê và kinh phí gia cố mặt lưng.

– Dễ dàng bảo quản địa tầng hố đào, dễ thao tác xử lý bảo tồn…

– Dễ trưng bày.

  1. Về phương án trưng bày.

– Trưng bày một cách khoa học, bảo đảm nội dung trưng bày đúng với những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh.

– Trưng bày nguyên gốc kết hợp với phục dựng để nội dung trưng bày phong phú, đa dạng không bị rơi vào tình trạng đơn điệu, nhàm chán.

– Hình thức trưng bày khoa học, hiện đại bảo đảm tính thẩm mỹ, có tương tác để nâng cao hiệu ứng cho hiện vật trưng bày.

  1. Về tư liệu khoa học

– Xây dựng hệ thống các tư liệu lịch sử, bài viết, ấn phẩm có liên quan đến di tích Khảo cổ học Gò Ma Vương

– Xây dựng hệ thống các bản đồ, biểu đồ, sơ đồ phân bố di tích và di vật, minh hoạ diễn biến các loại hình hiện vật theo địa tầng của từng hố khai quật và chung cho toàn bộ khu vực di tích.

– Xác lập hệ thống các bảng biểu thống kê di tích và di vật một cách chi tiết, các bảng thống kê phân loại định tính và định lượng các di tích và các loại hình di vật theo từng lớp văn hoá, theo từng hố và toàn bộ khu di tích.

– Xây dựng các bản vẽ chì và vẽ mực, các bản dập hoa văn, các bản ảnh về hoạt động khai quật khảo cổ về di tích và các loại hình di vật.

– Xây dựng hệ thống hồ sơ về di tích, di vật và báo cáo khoa học chung về kết quả nghiên cứu, khai quật di tích gò Ma Vương.