Dải đất hình chữ S – Việt Nam là nơi chung sống hòa bình của hơn 54 dân tộc anh em, trong đó người Hoa chiếm khoảng 0,9588%. Với nền văn hóa lâu đời của mình, người Hoa đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc người Hoa ở Việt Nam.

Người xưa nói “Đất lành, chim đậu” có lẽ đúng với quá trình di cư vào đất Việt của người Hoa lúc bấy giờ. Ngược thời gian trở về bối cảnh loạn lạc của Trung Hoa, vào năm 1644, chiến tranh Minh – Thanh xảy ra, những người nhà Minh không còn chỗ đứng trên chính quê hương của mình. Họ nhận thấy vùng đất Việt như Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi là nơi bình an có thể “sinh cơ lập nghiệp”, lại thuận tiện di chuyển bằng tàu thuyền xuôi theo hướng gió sẽ đến rất nhanh. Họ bèn lựa chọn nơi đây là quê hương thứ hai, ổn định làm ăn, buôn bán.

Dòng người Hoa đến Quảng Ngãi theo hai cửa ngõ Sa Kỳ Và Đại Cổ Lũy. Đây là “2 cửa biển lớn, nước sâu, tàu thuyền ra vào thuận lợi” (Theo Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức). Bởi lẽ đó, họ lựa chọn 2 nơi này là cửa ngõ giao thông chính để người Hoa chủ yếu từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam nhập cư sinh sống ở Quảng Ngãi, đặc biệt tập trung đông đảo nhất ở vạn Thu Xà.

Họ làm ăn buôn bán hưng thịnh, lập phố để ổn định lâu dài. Phố Minh Hương, phần lớn tập trung người Hoa đời Minh có từ đó. Sau đó phát triển thành tổ chức Minh Hương xã (đơn vị hành chính cấp xã, chỉ cộng đồng của những di dân Trung Hoa trung thành với nhà Minh ở Đàng Trong).

Dựa vào sổ đinh Đại Minh khách thuộc năm Gia Long thứ 2 (1803), còn lưu giữ ở chùa Ông (Thu Xà), người Hoa lúc bấy giờ khoảng 432 người với 18 họ khác nhau: Nguyễn , Trần, Ngô, Túc, Lâm, Ao, Lý, Tăng, Cô, Từ, Tạ, Thái, Lư, Trịnh, Tào, Cư, Tu, Quan. Sau khi ổn định và kinh tế phát triển hơn, người Hoa ở Thu Xà bắt đầu xây dựng chùa, hội quán để phục vụ cho đời sống văn hóa, tín ngưỡng. Đồng thời, đây là nơi tụ họp của các dòng tộc để nhớ về gốc tích, cội nguồn. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, quá trình di cư và nhập cư của người Hoa, nhiều tộc họ mới xuất hiện như: Lương, Trang, Vương, Đổng, Vưu, Lê, Phùng… Có thể thấy, mảnh đất Thu Xà, Quảng Ngãi là nơi yên bình, màu mỡ để “an cư, lập nghiệp”, cùng với sự cần mẫn, làm ăn buôn bán của mình đã hình thành các làng nghề như làm hương, vàng mã, làm thuốc bắc…. Và đâu đó một số làng nghề vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.

Vốn dĩ, người Hoa rất trọng lễ tiết, tư tưởng “cội nguồn” luôn tồn tại trong tâm thức. Nên dù đi đâu, họ luôn thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng ở nơi mình sinh sống. Điều này lý giải tại sao ở Thu Xà có nhiều công trình kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa như: chùa Ông, chùa Bà cùng các hội quán của tứ bang (Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến)…

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF6379-hinh1-1.jpg
Hình 1: Chùa Ông tại Thu Xà (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Hầu hết các công trình của người Hoa đều bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh.  Sau năm 1975, một số đền, chùa, miếu, hội quán cũng đều bị xuống cấp vì không được bảo tồn, tôn tạo. May thay, chùa Ông vẫn còn, đây là minh chứng thể hiện lối kiến trúc, đời sống văn hóa, tín ngưỡng đậm nét của người Hoa.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0163-h2-600x400-1-1.jpg
Hình 2: Tượng thờ Quan Thánh tại Chùa Ông (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Chùa Ông được xây dựng nhờ sự chung tay góp sức của 18 tộc họ như: Hoàng, Từ, Hà, Tăng, Dương, Dư, Ngô, Diệp, Cô, Đổng, Lê, Phùng, Trần, Cao, Đỗ, Lâm, Tạ, Vưu.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0210-h3-600x400-1.jpg

Hình 3: Sơ đồ các tộc họ cùng nhau xây dựng chùa Ông (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Sự di cư của người Hoa đến Quảng Ngãi đã góp phần tạo nên một phố cổ Thu Xà buôn bán sầm uất, thúc đẩy kinh tế cho vùng đất này thêm phần năng động. Bên cạnh đó, sự hòa nhập giữa văn hóa Việt – Hoa tạo nên mảng màu đặc sắc cho nơi đây, không chỉ thể hiện qua các công trình về kiến trúc độc đáo, mà đó còn là hòa nguyện giữa đời sống tâm linh, tín ngưỡng Việt – Hoa. Tất cả những điều này là tiềm năng, bước đệm để Thu Xà để hòa mình cùng Quảng Ngãi phát triển du lịch trong một ngày không xa.

Võ Thị Ngọc Trâm – Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản