Nghề mổ lốp ô tô – một làng nghề truyền thống độc đáo từ lâu đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân Thu Xà.

Ấn tượng đầu tiên cho những ai đến đây là một không gian rộng lớn của khu dân cư từ trong vườn nhà ra vệ đường và những khoảng đất rộng, đều chứa đầy lốp ô tô cũ, với đủ các kích cỡ to nhỏ khác nhau. Những người thợ mổ lốp ô tô ở đây đang làm việc một cách cần mẫn, khéo léo và chuyên nghiệp. Với những dụng cụ sắc bén, họ mổ cắt những phần của lốp ô tô một cách thuần thục trong nháy mắt.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0314-h1-1.jpg
Hình 1: Người thợ đang cắt rẻo lốp ô tô cũ (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Thu Xà hiện có hơn 300 hộ dân làm nghề này, đáp ứng nhu cầu việc làm cho hơn 3.000 dân địa phương. Lốp phế thải sau khi được thu gom từ các nơi về sẽ được phân loại. Nếu còn sử dụng được sẽ để dành bán cho các xe tải công trường, còn không sẽ làm dây su, làm bố chỉ bán cho các cơ sở sản xuất lốp xe ở Quảng Ngãi và Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, những miếng rẻo của lốp được xay nhỏ thành hạt bán sang Trung Quốc. Nhân công chủ yếu là nam giới vì công việc đòi hỏi sức khoẻ dẻo dai, bàn tay khéo léo, thuần thục, tinh thần bền bỉ, những dụng cụ thì vô cùng sắc bén như: xà beng, chân đế sắt, búa, dùi đục các loại, chàng, thụt…

Nghề mổ lốp ô tô đã đem lại nguồn nhu nhập khá cho các hộ gia đình ở đây, nhiều người chuyển từ nghề nông sang học hỏi và làm nghề này. Một anh thợ tại xưởng mổ lốp của ông Dương Văn Thành cho biết: “làm nghề này nhọc lắm, nhưng thu nhập cũng ổn định, mỗi ngày kiếm được khoảng 200 ngàn đồng”.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSC_0321-h3-1.jpg
Hình 2: Rẻo ô tô chuẩn bị được bán sang Trung Quốc (Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh)

Cuộc sống người dân nơi đây cũng được nâng lên nhờ nghề mổ lốp ô tô và dường như không nơi nào giỏi mua bán và có kinh nghiệm mổ lốp ô tô cũ  bằng người làng Hoà Bình – Thu Xà, bởi lẽ làng nghề có lịch sử phát triển rất lâu đời. Theo lời kể của ông Dương Văn Thành (chủ một xưởng mổ lốp tại Thu Xà): “ từ thời kháng chiến chống Mỹ (1972), người dân đã tận dụng lốp ô tô cũ để làm dép cao su phục vụ bộ đội, rồi sau đó mới phát triển làng nghề như ngày nay”. Lớp cư dân này phần lớn là con cháu người Hoa xưa kia đã di cư đến đây và sinh cơ lập nghiệp. Họ vốn có kinh nghiệm về hàng hải và buôn bán giao thương, nên đã tận dụng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, lịch sử, xã hội lúc bấy giờ mà phát triển Thu Xà thành cảng thị sầm uất, hưng thịnh, giao lưu hàng hoá cả trong và ngoài nước. Có lẽ vì thế mà dòng máu thương mại vẫn không ngừng chảy trong họ, sự năng động và sáng tạo luôn được phát huy. Nghề mổ lốp ô tô cũ là một minh chứng cho điều này. Xuất phát từ những đôi dép cao su ban đầu, họ còn biết làm ra và bán những sản phẩm hữu ích như dây cao su, máng lợn, thùng đổ bê tông,…Có một số người lại cho rằng, khi tản cư lên khu vực thành phố Quảng Ngãi bấy giờ để tránh sự tàn phá của chiến tranh, họ sinh sống cạnh thị trấn, ven các con đường lớn để buôn bán và nghề này sinh ra do nhu cầu thay lốp xe ô tô ngày một cao hơn. Với sự năng động, nhạy bén của mình, họ mua về, sữa chữa và bán lại để tái sử dụng, về sau còn làm ra các vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày. Đây chỉ là nghề mưu sinh tạm thời lúc bấy giờ, nhưng về sau, họ lại mang theo nghề này và phát triển nó khi trở về nơi đất cũ, tạo ra thêm một nghề mới cùng các nghề thủ công truyền thống trước đó như: dệt chiếu, làm nhang, kẹo gương…

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF6459-h2-1.jpg
Hình 3: Ông Dương Văn Thành chia sẻ về làng nghề (Ảnh: Chu Mạnh Trinh)

Lịch sử hình thành và đặc trưng năng động, sáng tạo của cộng đồng nơi đây đã đủ mang lại sức hấp dẫn riêng cho làng nghề. Lớp lớp những thế hệ đi qua vẫn còn lưu giữ hình ảnh thời thơ ấu gắn liền với chiếc lốp xe quen thuộc. Những cô bé, cậu bé đi học về, lại hào hứng phụ giúp bố mẹ làm việc cho nghề truyền thống của gia đình hoặc phụ cho các xưởng khác như gói kẹo gương, lăn lốp ô tô vào xưởng… Tuổi nhỏ làm việc nhỏ đã là một nếp nghĩ, một hành động đẹp để các em đóng góp vào không khí lao động của cộng đồng. Những món quà vặt có được từ tiền công ít ỏi của các em nhỏ cũng làm nên tuổi thơ ý nghĩa vô cùng.

Có thể nói, làng nghề mổ lốp ô tô là một làng nghề độc đáo, góp phần bảo vệ môi trường, vì đây là nơi xử lý và cung cấp nguyên liệu cho ngành tái chế rác thải. Tuy nhiên, từ xưa đến nay người dân tự tổ chức hoạt động chế biến, với chất liệu cao su độc hại nhưng chưa quan tâm đến vấn đề bảo hộ lao động. Khối lượng lớn rác thải, vụn cao su chưa được quản lý thích hợp để tránh gây ô nhiễm môi trường. Thêm nữa, hoả hoạn cũng đã từng xảy ra tại một trong số các xưởng chế biến ở đây vì cao su là chất dễ cháy.  Nhưng hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được chú trọng, chỉ có vài hộ gia đình trang bị dụng cụ chữa cháy, nhưng cũng hết sức sơ sài. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chúng ta sẽ thấy làng nghề độc đáo này có ý nghĩa quan trọng trong một giai đoạn lịch sử của thương cảng cổ Thu Xà và hoạt động kinh tế địa phương ngày nay. Làng nghề này cũng là một sản phẩm du lịch thú vị cho du khách. Đến đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những lốp ô tô cũ với kích cỡ ấn tượng, tìm hiểu lịch sử lâu đời và môi trường làm việc của những người thợ cần mẫn, chuyên nghiệp. Chính vì thế, làng nghề mổ lốp ô tô cần được quan tâm, bảo tồn và có cách quản lý thích hợp để phục vụ cho hoạt động du lịch của tỉnh. Tổ chức các dịch vụ du lịch gắn với làng nghề là một cách giữ gìn bản sắc văn hoá hữu hiệu, có tính giáo dục cao và giúp làng nghề duy trì, phát triển bền vững.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2017/01/DSCF4407-h4-1.jpg
Hình 4: Những lốp ô tô với kích cỡ ấn tượng ven đường làng Thu Xà (Ảnh: Chu Mạnh trinh)

Tóm lại, làng nghề mổ lốp ô tô Thu Xà là một trong những minh chứng cho tính cách năng động, cần cù sáng tạo và sở trường buôn bán giao thương còn lưu lại của những người con của vùng đất giao thoa văn hoá Hoa – Việt. Cùng với sự phát triển của những làng nghề thủ công khác, nghề mổ lốp ô tô vẫn duy trì, phát triển ổn định, đem lại sức sống mới cho phố cảng Thu Xà nổi danh một thời. Hiện nay, Công viên địa chất Lý Sơn đã được thành lập và đang trong tiến trình phát triển thành Công viên địa chất toàn cầu. Thu Xà sẽ là một địa điểm kết nối du lịch tuyệt vời cho tuyến du lịch trong tỉnh và Công viên địa chất, làm sống lại những nét đặc sắc của hệ thống thương cảng cổ dọc vùng biển miền Trung. Ngoài những giá trị văn hoá, lịch sử to lớn trong quá trình hoà nhập, giao lưu của yếu tố Việt –Hoa tại Thu Xà, làng nghề mổ lốp ô tô cũ cũng là một nét chấm phá mới lạ, làm phong phú thêm cho tiềm năng du lịch hấp dẫn nơi đây.

Nguyễn Thị Diễm Kiều – Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản