Khu nhà rường cổ Việt thuộc phía đông của Bảo tàng, là nơi tái hiện không gian truyền thống, vốn có từ bao đời nay của nhân dân Quảng Ngãi.
Gồm 5 nhà rường chính kết nối với nhau qua các trường lang tạo một khu kiến trúc cổ kính, mộc mạc đậm nét văn hóa. Nhà Rường cổ Việt là lọai hình kiến trúc khá phổ biến ở nông thôn từ Quảng Bình vào đên Bình Định và nhà Rường trở thành một bộ phận không thể thiếu được của văn hóa xứ Quảng. Kiến trúc nhà Rường có nhiều loại hình khác nhau.
Căn cứ vào vật liệu thì có nhà gỗ, nhà tre, nhà tranh…Về cấu trúc không gian thì có loại nhà 1 gian, 1gian 2 chái, 3 gian 2 chái…Quan trọng nhất của nhà rường là bộ khung gỗ hay còn gọi là bộ giàn trò, đây là một tổ hợp các cấu kiện: cột, kèo, xuyên, trến được ráp nối liên kết với nhau bằng mộng tạo nên một kết cấu khung gỗ vô cùng vững chắc. Bộ khung này được đặt trên một nền đất cao thông qua hệ thống chân táng. Chân táng thường được làm bằng đá gọt đẽo công phu có hoa văn tinh xảo có hình vuông hoặc hình quả bí ngô, hình búp sen….
Bộ khung gỗ và hệ chân táng tạo nên sự quý giá hay hoành tráng của ngôi nhà. Mái nhà rường thường được lợp bằng ngói âm dương, ngói liệt hoặc tranh tùy theo độ giàu nghèo của chủ nhân. Mái nhà thường dốc và rất dày. Về không gian, nhà rường được tạo theo triết lý và nguyên tắc Phương Đông truyền thống nên rất chặt chẽ.
Không gian này thường được chia thành 4 phần chính có vách ngăn bằng gỗ: Gian giữa phía trong làm nơi thờ phụng tổ tiên, phía ngoài làm phòng khách, buồng phía đông giành cho chủ gia đình, phía tây cho mẹ hoặc vợ, phần phía sau nhà dành cho con cái. Phía trên trần nhà thường có rầm thượng dung làm nơi cất giữ của cải gia đình. Nhà rường thường được bố trí ở không gian rộng rãi có sân, vườn thoáng mát vừa là nơi cư trú nghỉ ngơi của gia đình vừa là nơi để những người có điều kiện vui thú tiêu giao cùng bạn bè, cảnh vật…
Sưu tập 03 ngôi nhà Rường có niên đại từ 120 năm đến 290 năm được sưu tầm trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tiến hành phục dựng và trưng bày tại khu vực phía Đông Bảo tàng. Khu nhà Rường này chỉ phát huy giá trị khi được phục dựng cùng với các đồ vật đi kèm với chúng như bàn, ghế, sập gụ, tủ chè… và không gian kiến trúc truyền thống đặc trưng của nó đó là: cổng ngõ, khuôn viên cây cảnh phía trước, có ao nước, giả sơn xen lẫn cùng một số yếu tố phong thuỷ truyền thống phương Đông cổ đại khác. Diện tích sàn sử dụng khoảng: 380 m2.
Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản