Từ bao đời nay, người dân Bình Châu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, những con tàu căng buồm ra khơi không chỉ tìm kiếm nguồn lợi từ thiên nhiên, mà còn mang nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Bởi lẽ đó, nếu ví những con tàu là vũ khí bảo vệ lãnh hải, người ngư dân là những chiến sĩ ngày đêm lênh đênh bám biển, thì những người người tạo nên hình hài những con tàu là nghệ nhân mang tâm huyết gửi vào từng ván gỗ, cột buồm.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2016/12/DSCF5836-1.jpg
Xưởng đóng tàu Sa Kỳ – Bình Châu
http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2016/12/DSCF5847-1.jpg
Thợ đang sửa tàu – Ảnh: Lê Hồng Tú Khanh

Nói họ là những nghệ nhân cũng không ngoa, bởi vì để đóng nên một con tàu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi sự khéo léo, chính xác tuyệt đối . Và phải đáp ứng về mặt thẩm mỹ và độ vững chắc để đương đầu với gió to, sóng lớn. Để hoàn thiện một con tàu, cần kết hợp và lựa chọn kĩ càng nhiều loại gỗ khác nhau như cẩm lai, mun, gụ, trắc, kiền kiền, dầu mít, bạch đàn trắng… Mỗi loại gỗ có độ dẻo, cứng, khô khác nhau, và tùy từng bộ phận của tàu mà bố trí gỗ cho thích hợp. Thông thường việc sử dụng các loại gỗ để đóng tàu sẽ không thể tránh khỏi việc bị côn trùng hại gỗ, nấm mục, đặc biệt là các loài sinh vật biển như hà giáp xác bám trụ, gây hại. Nên sử dụng loại sơn nào? màu nào? bộ phận nào thì dùng loại sơn gì? hay tùy vào loại gỗ và bề mặt tiếp xúc với nước biển mà dùng loại sơn cho thích hợp. Đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự hiểu biết và kì công chăm chút cho sản phẩm của mình … Công đoạn cuối cùng là trang trí, vẽ màu. Đa số tàu được đóng ở Sa Kỳ – Bình Châu có các màu chính: xanh nước biển, xanh lá cây, đỏ, đen, nâu, trắng, bạc… Mắt tàu ở đây được những người thợ vẽ khéo léo, tô vẽ, mắt thon dài, tròng nhô sát về phía trước. Được xem là đôi mắt soi đường, chỉ lối cho tàu thuyền đánh bắt được đầy khoang và tránh sóng dữ.

http://doananhduong.vn/wp-content/uploads/2016/12/DSCF5840-1.jpg
Đội khảo sát thuộc Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản trước khung thân tàu – Ảnh: Chu Mạnh Trinh

Khi tàu được hạ thủy an toàn tức là tác phẩm của những nghệ nhân này đã thành công. Còn gì vui sướng và hạnh phúc cho bằng khi sản phẩm do mình tạo ra rẽ sóng ra khơi, hòa mình vào biển lớn. Giờ đây nghề đóng tàu ở Sa Kỳ – Bình Châu không chỉ đơn thuần là tạo nên sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho ngư dân, mà còn hình thành một nét văn hóa, làng nghề truyền thống, lâu đời của cư dân miền biển.

Võ Thị Ngọc Trâm – Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Di sản